Huyện Hoài Đức: Năm 2022, có 4.400 người tham gia cứu hộ đê điều

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/5, UBND huyện Hoài Đức tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023…

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết:  Năm 2022 huyện đã huy động 4.400 người tại 11 xã, thị trấn tham gia lực lượng cơ động ứng cứu hộ đê; 2.800 người, tại 9 xã có đê làm nhiệm vụ xử lý các sự cố đê ngay giờ đầu; 168 người, tại 9 xã có đê làm nhiệm vụ tuần tra canh gác đê tại 14 điếm canh đê (mỗi điếm 12 người).

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận phát biểu tại hội nghị.

Tổ chức hiệp đồng các lực lượng làm nhiệm vụ ứng cứu phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 7.848 người; trong đó 7.017 dân quân tự vệ, dự bị động viên tại địa phương, 369 người thuộc lực lượng Ban Chỉ huy quân sự huyện;  462 người trong các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện. 

Vẫn theo ông Cao Văn Tuyến, huyện chủ động kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, công trình thủy lợi theo quy định. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm đê điều, công trình thủy lợi đảm bảo luôn thông thoáng, phục vụ tốt công tác phòng chống úng, ngập. Xây dựng và ban hành các phương án kỹ thuật phòng chống thiên tai, phục hồi sản xuất, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai theo đúng chỉ đạo của TP, phù hợp với điều kiện của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận trao khen thưởng cho các cá nhân có thành tích.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận trao khen thưởng cho các cá nhân có thành tích.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các hạng mục dự án nạo vét, khơi thông những tuyến kênh mượng nội đồng tại 4 xã Tiền Yên, Yên Sở, Cát Quế, Dương Liễu. Qua đó đã khắc phục được tình trạng tắc hệ thống kênh mương nội đồng giúp việc dẫn nước tưới, tiêu nước mưa được thuận tiện hơn...

Về kết quả thực hiện gieo trồng vụ Xuân: Tổng diện tích cấy lúa trên địa bàn huyện Hoài Đức là 1.179,1ha, đạt 101,2% kế hoạch; cây hoa màu 1.159,3ha, đạt 104,9% kế hoạch. Diện tích cây ăn quả ước thực hiện 1.209,5ha, so với năm 2022 đạt 101% (tăng 12 ha), tập trung tại các xã như Cát Quế, Yên Sở, An Thượng, Đắc Sở... Diện tích gieo trồng vụ Xuân phát triển tốt, nguồn nước cấp đầy đủ, kịp thời... 

Hoài Đức cũng xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2023. Theo đó tổng diện tích gieo trồng 2.233ha, trong đó cây lúa 1.120ha, cây màu Hè Thu 1.113ha. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân không đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch gây ô nhiễm đến môi trường; rà soát, chủ động có phương án chuyển đổi diện tích lúa vùng khó khăn về nước tưới sang cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn như cây ngô, lạc, đậu tương, rau các loại. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn để bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, vật tư phục vụ cho sản xuất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chi cục trưởng Chi cục Đê điều Hà Nội Phạm Văn Đông đánh giá: Kết quả huyện Hoài Đức đã đạt được trong năm qua đã góp phần vào thành công chung của thành phố trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều Hà Nội Phạm Văn Đông  phát biểu tại hội nghị.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều Hà Nội Phạm Văn Đông  phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo Chi cục Đê điều đề nghị huyện Hoài Đức khẩn trương hoàn thành tốt việc chuẩn bị cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 như: Tập huấn, diễn tập, hoàn thiện, phê duyệt các phương án, kế hoạch cụ thể, chi tiết, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn địa bàn và sẵn sàng triển khai khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đặc biệt lưu ý phương án chống ngập, úng, phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông do huyện đang trong quá trình đô thị, công trình xây dựng nhiều.

Năm 2023 là một trong những năm nóng nắng kỷ lục và sự thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều Hà Nội cũng khuyến cáo huyện cần tuyên truyền tới người dân về các biện pháp phòng, tránh; chủ động có biện pháp ứng phó với nắng nóng cực điểm; phòng ngừa cháy nổ...

Đối với công tác quản lý công trình thủy lợi, huyện Hoài Đức cần tổ chức tổng kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, đê điều; quản lý chặt và rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với các khu vực diện tích đất bãi sông, ven đê sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần