Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Mê Linh: Người dân chưa mặn mà sử dụng nước sạch

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, huyện Mê Linh đã phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.

Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 44%
Từ giữa năm 2010, UBND huyện Mê Linh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch cho 2 thị trấn: Quang Minh và Chi Đông. Nguồn cấp được lấy từ Khu công nghiệp Quang Minh. Đến nay, 13.943 hộ dân thuộc 2 thị trấn đã được đấu nối đường ống dẫn nước đến tận nhà để sử dụng. 
Trạm cấp nước sạch cho 12 xã trên địa bàn huyện Mê Linh sắp được hoàn thành. Ảnh: Trọng Tùng.
Năm 2017, Dự án cải tạo, nâng cấp công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long được TP Hà Nội phê duyệt. Ít lâu sau khi khi hoàn thành, mạng lưới cấp nước đã phủ đến 4 xã khác thuộc huyện Mê Linh gồm: Đại Thịnh, Tiền Phong, Tráng Việt và Mê Linh. 14.939 hộ dân đã có đấu nối để có thể sử dụng nước sạch.
Được khởi công năm 2018, đến nay, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 12 xã còn lại thuộc huyện Mê Linh cũng gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng. Dự án sau khi hoàn thành có thể bảo đảm cấp nước cho 36.649 hộ dân.
Mặc dù tiến độ phủ hệ thống cấp nước đang được huyện Mê Linh triển khai là tương đối tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch lại khá thấp. Xét trên bình diện toàn huyện, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch mới đạt khoảng 44%, tương ứng với 28.728/65.531 hộ dân toàn huyện.
Ông Nguyễn Xuân Ngọ ở thôn Thanh Điềm (xã Tiến Thịnh) cho biết, vừa qua chủ đầu tư tư dự án đã về khảo sát đo đạc để lắp đặt đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, gia đình vẫn muốn… nghe ngóng thêm trước khi đăng ký sử dụng nước sạch, do băn khoăn về khoản đóng góp 3,5 triệu đồng/hộ phục vụ lắp đặt đồng hồ. 
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh Đỗ Quốc Toản cho biết, tâm lý của một bộ phận lớn người dân hiện nay là không muốn đóng góp kinh phí ban đầu để lắp đặt đồng hồ sử dụng nước. “Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều trên hệ thống loa truyền thanh về việc mức đóng sẽ được trừ dần trong 10 năm sử dụng nước. Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý với phương án này…” - ông Toản cho hay. 
Tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện Mê Linh sử dụng nước sạch chưa đạt kỳ vọng.
Thực tế hiện nay, tại nhiều xã đã có hệ thống đường ống dẫn nước đến tận nhà, nhưng vẫn còn rất nhiều hộ chưa đồng ý lắp đặt đồng hồ. Đơn cử như tại thị trấn Quang Minh còn hơn 1.200 hộ, xã Tiền Phong còn hơn 1.000 hộ, các đơn vị hành chính khác như thị trấn Chi Đông, xã Tráng Việt, Mê Linh, Đại Thịnh cũng còn từ 800 - 1.000 hộ chưa lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thanh Hoài cho biết, để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy chính quyền đối với mục tiêu phổ cập nước sạch, vừa qua, huyện đã ban hành kế hoạch, trong đó giao nhiệm vụ cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách, đôn đốc các xã, thị trấn triển khai công tác tuyên truyền đến người dân. 
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch. Thường xuyên lấy mẫu nước từ giếng khoan và nước cấp từ nhà máy phục vụ so sánh, công khai để người dân được biết, ủng hộ chủ trương phổ cập nước sạch của TP.
“Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu các đơn vị cấp nước định kỳ đánh giá chất lượng nước. Đồng thời, có kế hoạch bảo trì, sửa chữa, thay thế thiết bị, bổ sung dây chuyền công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn nước; hướng đến mục tiêu phổ cập nước sạch nhưng bảo đảm yêu cầu về an toàn sức khoẻ cho người dân...” - ông Trần Thanh Hoài nhấn mạnh.