Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phúc Thọ: bãi tập kết phế thải trên đất nông nghiệp tại xã Thanh Đa

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ven tuyến đường trục chính qua xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) một điểm tập kết phế thải, vật liệu xây dựng tồn tại nhiều tháng nay. Chính quyền địa phương biết nhưng chậm xử lý.


Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông đã được TP Hà Nội và huyện Phúc Thọ quan tâm, đầu tư xây dựng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy, ven tuyến đường liên xã nối từ Quốc lộ 32 dẫn vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, đoạn qua thôn Thanh Mạc (xã Thanh Đa), hiện tồn tại một điểm tập kết phế thải, vật liệu xây dựng.

Bãi tập kết trái phép rộng hàng trăm mét vuông, nằm trên diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho người dân để sản xuất. Người đi đường rất dễ nhận biết. Trong khi khu vực xung quanh bãi tập kết, nhiều hộ dân vẫn đang canh tác hoa, rau màu.

Lối vào bãi tập kết phế thải, vật liệu xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ).
Lối vào bãi tập kết phế thải, vật liệu xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ).

Hai trụ bê tông đúc sẵn rất lớn được dựng lên, có ghi dòng chữ sơn đỏ “cấm đổ rác”. Dù vậy, lối ra vào lại mở thênh thang, đủ để phương tiện vận chuyển cỡ lớn có thể di chuyển qua lại dễ dàng.

Phía trong bãi tập kết, phế thải, vật liệu xây dựng được đổ ngổn ngang, chất cao nhiều mét. Không chỉ sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, điểm tập kết trái phép còn gây mất mỹ quan, khiến nhiều người dân bức xúc.

Theo tìm hiểu, bãi tập kết phế thải, vật liệu xây dựng nằm trên đất nông nghiệp. Trước đây, diện tích này người dân sử dụng để trồng cỏ voi (phục vụ chăn nuôi bò sữa). Tuy nhiên, do chăn nuôi bò gặp nhiều khó khăn nên hộ dân đã bỏ đất không canh tác.

Phế thải, vật liệu xây dựng chất đống ngổn ngang.
Phế thải, vật liệu xây dựng chất đống ngổn ngang.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Đức Dũng thừa nhận sự tồn tại của bãi tập kết phế thải, vật liệu xây dựng theo phản ánh của phóng viên là đúng.

“Bãi tập kết đã hình thành và hoạt động từ trước Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Địa phương đã nắm được và đang yêu cầu chủ hộ sở hữu khu đất khẩn trương khắc phục…” - ông Dũng nói thêm.

Đại diện xã Thanh Đa cũng quả quyết rằng không có việc bảo kê cho điểm tập kết phế thải, vật liệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp như đề cập, đồng thời cho biết sẽ chỉ đạo giải toả dứt điểm trong thời gian sớm nhất.

Vị trí bãi tập kết nằm ven tuyến đường trục chính dẫn vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn. Sự tồn tại của một điểm tập kết phế thải, vật liệu xây dựng là khó chấp nhận. Chính vì vậy, đề nghị huyện Phúc Thọ sớm chỉ đạo chính quyền cấp xã, các phòng ban liên quan sớm xử lý dứt điểm điểm tập kết, tránh để lại hình ảnh xấu trên hành trình về với đền Hát Môn.