Vẫn còn tâm lý chủ quan
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Phúc Thọ Đinh Xuân Hanh, trong 7 ngày qua, trên địa bàn huyện ghi nhận 32 ca mắc sốt xuất huyết. Con số này giảm 26 ca so với cùng kỳ của tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện ghi nhận 741 ca mắc sốt xuất huyết.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã được ghi nhận tại 21/21 xã, thị trấn. Trong đó, xã Liên Hiệp là địa phương có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao nhất với 151 trường hợp; tiếp đến là Phụng Thượng 104 trường hợp, Thanh Đa 93 trường hợp, Tam Hiệp 83 trường hợp…
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn còn 7 ổ dịch sốt xuất huyết. Trong đó, riêng tại xã Liên Hiệp có 3 ổ dịch. Các xã có 1 ổ dịch đang hoạt động gồm: Hiệp Thuận, Ngọc Tảo, Phụng Thượng và thị trấn Phúc Thọ.
Dù tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Phúc Thọ đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên, nguy cơ bùng phát vẫn rất cao. Điều này một phần đến từ tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân. Thậm chí, cán bộ một số xã cũng chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phúc Thọ Nguyễn Duy Hậu cho biết, trong quá trình kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, ghi nhận có trường hợp gia đình có người mắc sốt xuất huyết nhưng trong khuôn viên nhà vẫn xuất hiện bọ gậy; có thôn đoàn đến kiểm tra đột xuất 5 hộ dân thì có đến 3 nhà còn nhiều bọ gậy…
Duy trì giao ban đến khi hết dịch
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết là vấn đề rất nóng, được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Trong 1 tuần qua, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Nhờ đó tình hình dịch bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
“Ít ngày nữa, đoàn công tác của Hà Nội sẽ kiểm tra nhắc lại. Do đó các xã, thị trấn cần tập trung cao độ để giải quyết triệt để các ổ dịch, không để phát sinh các ca mắc mới; phấn đấu để huyện Phúc Thọ không trở thành điểm nóng về dịch bệnh sốt xuất huyết của TP…”
Ông Kiều Trọng Sỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ
Trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, nhiều địa phương đã có cách làm hay. Đơn cử như UBND xã Phụng Thượng đã mua 40kg cá, giao về các thôn, xóm để thả vào các vị trí có khả năng phát triển bọ gậy. Nhờ đó tại địa phương này, tình hình dịch được kiểm soát nhanh tốp đầu của huyện.
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ đánh giá, đây là cách làm hiệu quả và đề nghị các xã, thị trấn có thể học tập, triển khai tại địa phương mình, bởi “không có bọ gậy thì sẽ không có dịch bệnh sốt xuất huyết”.
Cùng theo đánh giá của đại diện UBND huyện Phúc Thọ, thời gian qua, các xã, thị trấn đã vào cuộc tích cực. Người dân đã có những thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, tinh thần quyết liệt thì chưa đồng đều tại các địa phương.
Thời gian tới, UBND huyện Phúc Thọ đề nghị Trung tâm Văn hoá, thông tin và thể thao huyện duy trì thực hiện tuyên truyền 5 lần/ngày thông tin về tình hình dịch bệnh. Các xã, thị trấn cũng cần tăng cường truyền thông lưu động, nhất là các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết để người dân nhận biết.
“Ban chỉ đạo các xã, thị trấn cần hành động quyết liệt hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống, bởi có ngăn chặn được dịch hay không phục thuộc rất lớn vào chính quyền cơ sở. Huyện sẽ duy trì giao ban hàng tuần cho đến khi hết dịch…” - ông Kiều Trọng Sỹ nhấn mạnh.