Nhiều cây cầu bị hư hỏng, xuống cấp
Cầu Ngo nối liền xã Tích Giang với địa phận phường Trung Sơm Trầm (thị xã Sơn Tây) đóng vai trò quan trọng đối với việc đi lại của người dân. Hàng ngày, các em học sinh trên địa bàn xã Tích Giang phải đi qua cầu Ngo để theo học tại trường THPT Tùng Thiện (phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây).
Ông Đỗ Nghĩa, người xã Tích Giang, cho biết người dân trên địa bàn phải qua lại cầu Ngo mỗi ngày để mưu sinh. Tuy nhiên, cây cầu thường xuyên bị ngập sâu mỗi khi mưa lớn. Việc đi lại hết sức khó khăn. Nhiều thời điểm người dân không thể qua lại cây cầu này do nước sông lên cao đến 2m, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Theo chia sẻ của nhiều người dân, một vài năm trở lại đây, cầu Ngo đã được chính quyền địa phương quan tâm, cải tạo. Tuy nhiên có một điểm vẫn không thay đổi, đó là cốt đường bê tông được giữ rất thấp so với mặt đê sông Tích. Mặt cầu cách mực nước sông chỉ vài ba mét nên hễ mưa lớn là… lại bị ngập sâu.
Trong khi đó, cây cầu bắc qua sông Đáy trên con đường liên xã Hiệp Thuận hiện cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cầu dài 13m nhưng chỉ rộng chừng 2m, với kết cấu bê tông cốt thép. Trải qua thời gian dài sử dụng, hiện cây cầu đã bị hư hỏng nặng. Mặt cầu tróc vỡ, lan can bị gãy rụng nhiều phần khiến người dân luôn trong tâm trạng âu lo mỗi khi qua cầu.
Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ Đặng Hoàng Giang cho biết, cùng với cầu Ngo và cầu Hiệp Thuận, thống kê cho thấy trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện còn có 6 cây cầu yếu khác. Trong đó, xã Ngọc Tảo có một cây cầu bắc qua kênh trên đường liên xã. Xã Tam Hiệp có 2 cây cầu yếu trên đường nội đồng. Trong khi xã Phụng Thượng có đến 3 cây cầu yếu đang xuống cấp nghiêm trọng.
Kiến nghị 3 năm chưa được đầu tư
Theo UBND huyện Phúc Thọ, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, địa phương đã tranh thủ sự quan tâm của TP Hà Nội, bố trí nguồn lực để nâng cấp, cải tạo, xây dựng hàng trăm ki lô mét đường liên xã, đường trục thôn xóm… Tuy nhiên, quy mô đầu tư nhìn chung còn nhỏ.
Đến nay trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số cầu, cống cũ trên các tuyến đường đã được xây dựng từ lâu, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mặt cắt cầu nhỏ hẹp, cốt nền thấp nên thường xuyên bị ngập khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đại diện phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ chia sẻ, cử tri các xã: Tích Giang, Hiệp Thuận, Ngọc Tảo, Phụng Thượng đã kiến nghị nhiều lần về vấn đề cầu yếu xuống cấp ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong các các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội. Dù vậy đến nay, mong mỏi về những cây cầu mới vẫn chưa thành hiện thực.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, hiện nay 8 cầy cầu yếu nêu trên đang do địa phương quản lý. Tuy nhiên, việc bố trí ngân sách huyện để đầu tư rất khó khăn. Do đó, huyện đã có công văn gửi Sở GTVT Hà Nội đề nghị đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của TP. Dù vậy, văn bản đã gửi đi 3 năm nhưng chưa có hồi đáp.
Để khớp nối đồng bộ các tuyến đường giao thông hiện có, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, UBND huyện Phúc Thọ kiến nghị Sở GTVT Hà Nội quan tâm, đề xuất UBND TP hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp 8 cây cầu yếu. Đây cũng là tiền để để địa phương hoàn thiện hệ thống giao thông trong xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.