70 năm giải phóng Thủ đô

Huyện Phúc Thọ: Nho hạ đen bén rễ vùng đất bãi sông Đáy

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một năm trước, ông Nguyễn Văn Mỡ (xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ) quyết định chuyển đổi những diện tích sản xuất hoa ven sông Đáy sang trồng nho hạ đen. Loại cây ăn quả mới phát triển tốt trên đất bãi sông, mang lại giá trị kinh tế bước đầu hết sức khả quan.

Ghé thăm vườn nho hạ đen của ông Nguyễn Văn Mỡ, hiện ra trước mắt là màu xanh mát mắt của cây lá. Những chùm nho tím thẫm, xum xuê, trĩu quả, lủng lẳng trên cành. Đây là thời điểm khu vườn bước vào giai đoạn cho thu hoạch sau thời gian hơn bốn tháng chăm bẵm.

Lần đầu tiên ông Mỡ biết đến cây nho hạ đen cách đây chừng bốn năm. Với sở trường canh tác nông nghiệp mấy chục năm, cùng quỹ đất quy tụ của các nông hộ ven sông Đáy, ông Mỡ quyết định trồng thử nghiệm cây nho hạ đen trên quy mô diện tích gần 1.500m2. Kỹ thuật canh tác hoàn toàn do ông Mỡ tự tìm tòi, học hỏi.

Vườn nho hạ đen xum xuê, trĩu quả của gia đình ông Nguyễn Văn Mỡ. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Vườn nho hạ đen xum xuê, trĩu quả của gia đình ông Nguyễn Văn Mỡ. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Hệ thống nhà màng, nhà lưới đã được đầu tư để trồng hoa từ trước đó. Quy trình trồng nho hạ đen tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn VietGAP. Khu vườn được cấp nguồn nước tưới chủ động theo kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước. Các điều kiện ngoại cảnh như nhiệt độ, ánh sáng cũng được chủ động điều tiết.

Vụ nho hạ đen đầu tiên này, ông Mỡ thu về khoảng 1 tấn quả. Dù vậy, kết quả này với ông Mỡ là “chưa mỹ mãn”. “Theo tiêu chuẩn kỹ thuật canh tác nho hạ đen thì mỗi cành cấp 1 phải cho 2 - 3 chùm và mỗi cây phải đạt 10 - 14 chùm. Mỗi cây nho hạ đen nếu được chăm sóc tốt có thể cho 20kg, thậm chí 30kg quả…” - ông Mỡ chia sẻ.

Theo ông Mỡ, tất cả các loại cây trồng đều khó tránh khỏi sâu bệnh hại. Đối với nho hạ đen, thời điểm sâu bệnh chủ yếu là lúc ra hoa, kết quả. Khoảng 50 ngày cuối chu kỳ phát triển thì gần như cây không bị sâu bệnh gì.

Ông Nguyễn Văn Mỡ và cán bộ Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ thăm quan, đánh giá năng suất vườn nho.
Ông Nguyễn Văn Mỡ và cán bộ Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ thăm quan, đánh giá năng suất vườn nho.

Chủ vườn nho hạ đen ven sông Đáy cũng cho rằng, bản thân người sản xuất tiếp xúc đầu tiên với cây trồng. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là quy trình canh tác phải an toàn, vì sức khoẻ chính mình. Cũn bởi vậy nên gia đình tôi gần như không sử dụng hoá chất trong trồng nho hạ đen, thay vào đó là sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Hiện, gần 1.500m2 trồng nho hạ đen của ông Mỡ đã được Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là sự khẳng định về tiêu chuẩn chất lượng đối với vùng nho hạ đen. Cũng nhờ chất lượng tốt nên việc tiêu thụ nho hạ đen của ông Mỡ rất thuận lợi, sản phẩm không lo đầu ra, thậm chí không có đủ để bán!

Đánh giá sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, ông Mỡ kiến nghị các cấp chính quyền cần có quy hoạch phát triển nông nghiệp ổn định. Cơ chế, chính sách cho thuê đất nên kéo dài hơn hiện nay để người dân yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, các cấp, ban ngành cần tiếp tục quan tâm, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất.

Ông Mỡ cho biết trong thời gian tới, ông dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng nho hạ đen. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phát triển loại hình dịch vụ du lịch trải nghiệm, phục vụ nhu cầu thăm quan, chụp ảnh cho người dân. Từ đó, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ cây nho hạ đen. 

Vườn nho hạ đen của gia đình ông Nguyễn Văn Mỡ nằm ven sông Đáy, xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Video: Trọng Tùng.