Huyện Sóc Sơn: Liên kết tiêu thụ ếch thương phẩm

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tác động của đại dịch Covid-19, các tổ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi ếch tại huyện Sóc Sơn đã phát huy vai trò quan trọng trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm, duy trì ổn định đời sống cho các nông hộ.

 Ông Hoàng Văn Mùi bên trại ếch thương phẩm của gia đình.

10 năm trước, ông Hoàng Văn Mùi ở xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) tìm về các trang trại tại Hải Dương, Hưng Yên để học hỏi mô hình nuôi ếch thương phẩm. Cùng với kiến thức tìm hiểu được trên internet, ông Mùi bắt tay vào gây dựng trang trại nuôi ếch được xem là đầu tiên trên đất Sóc Sơn.

Theo ông Mùi, yếu tố quan trọng nhất trong nuôi ếch là chất lượng con giống. Những năm qua, ông đã xây dựng được mối liên kết cung ứng con giống gốc từ Đồng Tháp, bảo đảm chất lượng đầu vào phục vụ sản xuất.

Lứa chăn nuôi ếch gần nhất, trang trại của gia đình ông Mùi cung ứng cho thị trường khoảng 100.000 con ếch thương phẩm. Hiện, tiếp tục duy trì chăn nuôi khoảng 10.000 con. Trung bình một năm, ông có thể cung ứng cho thị trường 15 tấn ếch thương phẩm.

Thực tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua khiến giá ếch có giảm. Tuy nhiên, theo nhiều người nuôi ếch ở huyện Sóc Sơn, việc tiêu thụ vẫn được duy trì do Hà Nội có những cơ chế hỗ trợ vận chuyển riêng, bảo đảm sản phẩm của bà con không bị ứ đọng.

“Năm nay dịch bệnh nhưng hai lứa ếch gần nhất, gia đình vẫn cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn ếch. Ngoài mối liên kết tiêu thụ với các thương lái từ nhiều năm qua, các thành viên thuộc tổ hội nuôi ếch của địa phương thường xuyên chia sẻ đầu ra cùng nhau. Hộ này có mối nhưng thiếu ếch thì hỗ trợ tiêu thụ ếch cho hộ khác” - anh Nguyễn Văn Kế, một người nuôi ếch tại xã Tân Minh chia sẻ.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, thông thường chính vụ nuôi ếch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10. Bà con nông dân có thể nuôi được hai lứa, mỗi lứa từ 3 - 4 tháng là có thể cho thu hoạch.

Theo ông Dũng, hiện nay trên địa bàn các xã có rất nhiều hộ tham nuôi ếch. Sản phẩm ếch thương phẩm của các nông hộ vẫn được tiêu thụ khá ổn định qua thương lái. Tuy nhiên, chưa hình thành được liên kết chuỗi bền vững với hệ thống phân phối.

Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm ếch thương phẩm, nhiều nông hộ trên địa bàn các xã, thị trấn đã liên kết thành lập các tổ hội nghề nghiệp. Thành viên các tổ hội thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt là hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh.

Thành viên các tổ hội cũng được tham gia tập huấn kỹ thuật do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức. Tuy nhiên, mong muốn lớn hơn là các cấp chính quyền và sở ngành của TP có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, đặc biệt là tạo những kênh kết nối tiêu thụ ếch thương phẩm cho nông dân, giúp ổn định chuỗi giá trị cho sản phẩm này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần