Huyện Sóc Sơn: Rau hữu cơ “5 không” khẳng định giá trị

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lựa chọn phương thức canh tác hữu cơ là hướng đi từ ngày khởi sự, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đang thu về thành quả xứng đáng. 18 sản phẩm rau, củ, quả tiêu chuẩn OCOP của HTX được tiêu thụ với giá cao, thị trường đón nhận tích cực.

Khoảng 8 năm về trước, 14 nông dân ở xã Thanh Xuân bàn bạc, thành lập HTX; chung vốn, góp đất để canh tác rau, củ, quả theo phương thức hữu cơ. Nông sản được trồng trên những diện tích không bị ô nhiễm đất và nước; không sử dụng thuốc trừ sâu hoá học; không sử dụng phân bón hoá học; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng và không sử dụng giống biến đổi gen.
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu, những năm đầu bắt tay vào canh tác hữu cơ, hiệu quả mang lại còn khá thấp. Nguyên nhân là thị hiếu của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu nhìn chung còn khá mơ hồ nên việc tiêu thụ khó khăn. Thêm nữa, canh tác hữu cơ đòi hỏi nhiều công sức, trong khi sản lượng lại không tốt bằng khi sử dụng nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học.
Sản phẩm rau hữu cơ được thị trường đón nhận tích cực, mang lại giá trị kinh tế cao cho thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân. Ảnh: Trần Tâm.
Dù vậy, các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân quyết không nản lòng. Nhiều năm qua, phương thức canh tác an toàn này vẫn được duy trì. Đến nay, số lượng thành viên tham gia HTX đã lên tới 141 người. Quy mô canh tác rau, củ, quả theo hướng hữu cơ được mở rộng lên 35ha. 
Hiện, sản phẩm hữu cơ của HTX được cung ứng cho thị trường với mức giá bình quân lên tới 24.000 đồng/kg - cao gấp nhiều lần so với rau, củ, quả được gieo trồng theo phương thức truyền thống, có sử dụng hoá chất. Điều đáng nói, dù giá rau màu rất cao nhưng hiện HTX cũng không đủ nguồn cung. 
Những năm qua, đầu ra cho rau hữu cơ của HTX dần đi vào ổn định nhờ việc bắt tay với một số tổ chức, doanh nghiệp và kênh phân phối. Rau, củ, quả hữu cơ sản xuất ra đến đâu đều có người về đặt mua. Thành viên HTX phấn khởi, tích cực tham gia sản xuất. 
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu cho biết, hiện nay, đơn vị có 18 sản phẩm được UBND TP Hà Nội phân hạng 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh chất lượng luôn được HTX bảo đảm, điều này cũng giúp sản phẩm của HTX dễ dàng tiếp cận với thị trường. “Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, tuy nhiên, doanh thu của HTX ước đạt khoảng 4,2 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2020 khoảng 400 triệu đồng…” - Giám đốc HTX Hoàng Thị Hậu chia sẻ.
Nhấn mạnh HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân là một trong những điểm sáng trong tiên phong phát triển sản phẩm hữu cơ, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, phương thức canh tác này cũng là định hướng mà địa phương đang tập trung đẩy mạnh. “Trong lộ trình từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu mỗi năm tăng khoảng 10ha canh tác nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh giá trị kinh tế, việc nhân rộng phương thức sản xuất sạch này còn giúp tạo ra những sản phẩm an toàn hơn cho sức khoẻ cộng đồng…” - ông Hoàng Chí Dũng cho biết.