Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Sóc Sơn: Xử lý nghiêm dấu hiệu vi phạm pháp luật tại chợ Phù Lỗ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để khắc phục những bất cập trong quá trình vận hành chợ Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn), UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND, giao huyện Sóc Sơn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sau thời gian dài tuyên truyền, vận động, hiện vẫn còn rất nhiều hộ chưa chấp hành.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị sáng 15/9, Trưởng Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thành cho biết, những bất cập trong quá trình vận hành chợ Phù Lỗ (xã Phù Lỗ) đã tồn tại từ những năm 2016 trở về trước. Ngày 9/5/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND về việc ký hợp đồng và thu phí tại chợ Phù Lỗ, giao UBND huyện Sóc Sơn tổ chức thực hiện nhằm sớm ổn định hoạt động cho khu chợ này.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã ban hành Kế hoạch số 317/KH-UBND để tiến hành các bước giải quyết tồn tại theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 124 hộ tiểu thương chấp hành, còn lại 243 hộ chưa ký hợp đồng mới để vào kinh doanh tại chợ Phù Lỗ theo quy định.

Gần 2/3 số hộ tiểu thương vẫn chưa chấp hành quy định kinh doanh mới tại chợ Phù Lỗ.
Gần 2/3 số hộ tiểu thương vẫn chưa chấp hành quy định kinh doanh mới tại chợ Phù Lỗ.

Một trong những lý do được nhiều hộ tiểu thương đưa ra để giải thích cho việc không ký lại hợp đồng thuê ki-ốt, sạp hàng là bởi họ cho rằng, đã được cơ quan có thẩm quyền bán đấu thầu để sử dụng kinh doanh vĩnh viễn (?!). Dù vậy, điều này theo lý giải của cơ quan chức năng là không có cơ sở. 

 

Đối với các hộ tiểu thương sớm chấp hành quy định kinh doanh tại chợ Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn sẽ cho phép hưởng được các quyền lợi như ưu tiên ký hợp đồng kinh doanh tại ki-ốt; xem xét miễn giảm số tiền nợ giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đến thời điểm hiện tại…

Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng ki-ốt do Ban Quản lý công trình đầu tư xây dựng chợ huyện Sóc Sơn cấp ngày 11/01/1995 cho các trường hợp trúng thầu thể hiện: Thời hạn sử dụng 20 năm (hai mươi năm) kể từ ngày 11/1/1995 đến ngày 11/1/2015… Giấy này chỉ có giá trị trong thời hạn sử dụng. Chính vì vậy, việc một số hộ kinh doanh cho rằng, các ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ đã được tổ chức bán đầu thầu từ năm 1994 cho các hộ dân sử dụng kinh doanh lâu dài, không có thời hạn là không có cơ sở.

Để ổn định hoạt động của chợ Phù Lỗ, thời gian qua, Huyện ủy - UBND huyện và cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã Phù Lỗ cũng như Ban Quản lý Chợ loại II huyện Sóc Sơn đã tập trung  tuyên truyền, vận động các hộ chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, thiết lập hồ sơ, xử lý các vi phạm hành chính.

Mặc dù vậy, sau khi triển khai các biện pháp hành chính, các hộ kinh doanh tại chợ Phù Lỗ vẫn không chấp hành. Cá biệt một số trường hợp có biểu hiện vi phạm pháp luật, không hợp tác với tổ công tác của huyện giải quyết khó khăn, vướng mắc tại chợ Phù Lỗ, thậm chí là tập trung đông người, cản trở lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.

Để đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền lợi của người dân kinh doanh tại chợ Phù Lỗ, đại diện UBND huyện Sóc Sơn đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị huyện, Đảng ủy và hệ thống chính trị xã Phù Lỗ tập trung tuyên truyền đến người dân, nhất là các hộ kinh doanh tại chợ Phù Lỗ hiểu được quy định của pháp luật. Từ đó, tự giác ký hợp đồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước khi tham gia kinh doanh tại chợ.

UBND huyện Sóc Sơn cũng sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp hành chính. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không chấp hành, có hành vi chống đối, vi phạm pháp luật. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch cưỡng chế, thu hồi tài sản theo quy định trong trường hợp các hộ tiểu thương không chấp hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.