Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hàng năm huyện đã chỉ đạo, triển khai kịp thời các hoạt động y tế, dân số trên địa bàn với nhiều hình thức, nội dung thiết thực, phù hợp.
Đặc biệt, chú trọng đến tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao chất lượng dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các hình thức đa dạng như nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình....; tuyên truyền lồng ghép về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong các tiết sinh hoạt ngoại khóa tại trường học.
Song song với đó, tăng cường công tác kiểm tra, ký cam kết với các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập cung cấp dịch vụ sản khoa, kế hoạch hóa gia đình cũng được chú trọng, tổ chức thực hiện thường xuyên.
Bằng việc triển khai các giải pháp cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh của huyện Thạch Thất đã giảm từ 123 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2015 xuống còn 110 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2022. Đây thực sự là kết quả rất tích cực trong công tác dân số của huyện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chi Cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác dân số và phát triển.
Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chuyển hướng sang Dân số và phát triển góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.
Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. 9 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ trai/100 trẻ gái.
Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các đơn vị, địa phương cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình tại các địa bàn trên toàn TP. Nhiều hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai.
“Mặc dù vậy công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều.
Do đó, mục tiêu yêu cầu đặt ra là thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng này, đồng thời các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục và có các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái” - ông Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, 100 trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi của huyện Thạch Thất đã được biểu dương, kịp thời động viên khích lệ các trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số trên địa bàn.