Huyện Thạch Thất: Tăng cường hiệu quả nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến hết năm 2021, tổng dư nợ cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) đạt 473,2 tỷ đồng, với 11.514 hộ vay, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thạch Thất Nguyễn Quốc Mạnh cho biết, năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt là chất lượng tín dụng.

Huyện Thạch Thất thực hiện tốt chính sách tín dụng xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Huyện Thạch Thất thực hiện tốt chính sách tín dụng xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách.

Cùng với đó, Ngân hàng CSXH huyện đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất, kiến nghị Ngân hàng CSXH cấp trên và các cơ quan liên quan về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, đối tượng chính sách khác phù hợp với từng giai đoạn. Đồng thời, áp dụng sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và đối tượng chính sách trong việc điều hành thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Căn cứ vào Chỉ thị số 40/2014-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30/2015-CT/TU về công tác lãnh đạo thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn; Chỉ đạo Ngân hàng CSXH huy động, tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, rà soát nhu cầu và giải ngân cho vay đúng đối tượng, chương trình vay.

Huyện ủy Thạch Thất cũng đã ban hành Chỉ thị số 18/2015-CT/HU chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện tín dụng dành cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để hộ nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội nhanh chóng, thuận lợi, nâng cao chất lượng, hiệu quả của tín dụng chính sách trên địa bàn huyện.

“Do đó, đến hết năm 2021, tổng dư nợ cho vay tín dụng chính sách được giải ngân trên địa bàn huyện Thạch Thất đạt 473,2 tỷ đồng, với 11.514 hộ vay, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn” - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất Nguyễn Quốc Mạnh cho hay.

Cũng theo đại diện Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất, để thực hiện được những công việc trên, huyện đã thực hiện hiệu quả công tác lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội với tín dụng chính sách xã hội; nâng cao năng lực, trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH. Tăng cường thực hiện công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách khác.

“Một mặt huyện đưa ra giải pháp nhằm tranh thủ nguồn vốn từ T.Ư, TP để cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay và làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Nguyễn Quốc Mạnh cho biết thêm.