Huyện Thạch Thất thu ngân sách vượt chỉ tiêu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-6 tháng đầu năm 2024, huyện Thạch Thất đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 23.349.301 triệu đồng, bằng 55,8% kế hoạch năm và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn, ước đạt 1.266.520 triệu đồng.

Thu ngân sách vượt chỉ tiêu

Chia sẻ với phóng viên, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho biết, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TP, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ huyện ủy đã chỉ đạo và kịp thời xây dựng chương trình công tác năm 2024; kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án, nghị quyết chuyên đề cụ thể Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực công tác của huyện.

Với quyết tâm cao, 6 tháng đầu năm 2024, huyện Thạch Thất đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 23.349.301 triệu đồng, bằng 55,8% kế hoạch năm và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

UBND huyện Thạch Thất phối hợp với Sở Lao động - TB&XH tổ chức Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Thạch Thất năm 2024. Ảnh Công Phương
UBND huyện Thạch Thất phối hợp với Sở Lao động - TB&XH tổ chức Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Thạch Thất năm 2024. Ảnh Công Phương

Tổng thu NSNN trên địa bàn, ước đạt 1.266.520 triệu đồng bằng 78% TP giao, bằng 68% huyện giao và bằng 222% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách huyện, ước đạt: 2.215.506 triệu đồng, bằng 98% dự toán TP giao, bằng 89% huyện giao và bằng 104% so với cùng kỳ năm 2023.

Các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục nâng lên; đến nay đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiễu mẫu; năm 2024 phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Hạ Bằng, Đồng Trúc và 2 xã Phùng Xá, Lại Thượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất còn chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam huyện; Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam Huyện nhiệm kỳ 2024 - 2029; Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số huyện lần thứ 4, năm 2024.

Tổ chức thành công Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương; lễ hội truyền thống và kỷ niệm 10 năm đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương (từ ngày 9-18/4/2024) bảo đảm trang trọng và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Sự kiện thu hút hàng vạn lượt du khách, hơn 100 gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, ẩm thực mang đậm nét văn hoá xứ Đoài; nhiều nét văn hóa truyền thống như: rối nước, cồng chiêng, múa Lân, múa Rồng, hát Chèo,… được biểu diễn tại Lễ hội; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch của huyện.

Khắc phục tồn tại, phát triển kinh tế

Ông Lê Minh Đức cho biết thêm, về công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, văn minh đô thị tiếp tục được tăng cường; hoàn thành công tác rà soát quy hoạch khu trung tâm xã, thị trấn, điểm dân cư nông thôn, điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã, thị trấn; quy hoạch tổng thể di tích chùa Tây Phương; Nhà lưu niệm Bác Hồ; triển khai xây dựng nâng cấp trụ sở làm việc cơ quan UBND huyện, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; phối hợp lập quy hoạch vùng huyện, trình thông qua chủ trương 4 đồ án phân khu đô thị Hòa Lạc (HL3-HL6) tỷ lệ 1/2000.

Huyện cũng thực hiện quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm; tập trung chỉ đạo, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư của T.Ư, TP và các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện; gắn với chú trọng khai thác nguồn lực, giải ngân vốn đầu tư, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, bước đầu hình thành hạ tầng khung, nhất là về hạ tầng giao thông để định hướng cho sự phát triển.

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục phát triển sâu rộng, các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư nâng cấp; văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy; chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, TDTT tiếp tục được nâng lên. Công tác giáo dục - đào tạo, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo nâng chuẩn trình độ của giáo viên, quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập được quan tâm.

Theo ông Lê Minh Đức, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Thạch Thất cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn bất cập, một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai chưa được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm; phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy chậm đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền của một số xã, thị trấn có mặt còn hạn chế (vi phạm trật tự xây dựng trong xây dựng nhà nghỉ, nhà trọ, điển hình vụ việc Myhouse ở xã Tân Xã; vi phạm quản lý đất đai phải xử lý hình sự ở xã Kim Quan, Tiến Xuân), đã tác động, ảnh hưởng đến kết quả chung của huyện trong thời gian qua.

 

Thời gian tới, huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức