Huyện Thanh Trì: Sâu sát, sáng tạo, hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 15/15 xã đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Thanh...

Kinhtedothi - Với 15/15 xã đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Thanh Trì là một trong 2 huyện của Thủ đô hoàn thành chương trình xây dựng NTM, cùng với huyện Đan Phượng. Có được thành quả ấy là từ nhận thức cũng như cách làm đúng đắn, sáng tạo của một huyện ven đô nhiều tiềm năng.

Niềm vui trước thềm năm mới

Những ngày cuối năm, trong câu chuyện của ông Nguyễn Văn Hồng - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì lúc nào cũng xoay quanh về đề tài NTM. Niềm hạnh phúc ánh lên trong khóe mắt chằng chịt vết chân chim của người cán bộ tận tụy với công việc vốn được coi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Không phấn khởi sao được khi mà Duyên Hà là một trong 2 xã cuối cùng của huyện Thanh Trì vừa được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM.

 Chia sẻ về cái Tết đầu tiên của người dân xã NTM, ông Hồng không giấu nổi sự xúc động trước những bước chuyển mình của quê hương. Ông bảo, Duyên Hà vốn là một xã vùng bãi còn nhiều khó khăn của huyện Thanh Trì. Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng của xã còn thiếu thốn, chưa đồng bộ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhờ có chương trình NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rất nhiều. Cái nhìn rõ nhất là tuyến đường trục thôn hơn 7km được cứng hóa 100% và hơn 92% đường ngõ xóm cũng được bê tông hóa sạch sẽ, cống rãnh có nắp đậy gọn gàng.
 Đường giao thông được bê tông hóa tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì.
Đường giao thông được bê tông hóa tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì.
Không chỉ thế, theo chân những người nông dân Duyên Hà ra đồng mới thấy, sự đổi thay của NTM mang lại không chỉ ở những công trình nhà cửa, đường sá mà còn ở cả tập quán sản xuất. Sau dồn điền đổi thửa, xã Duyên Hà đã quy hoạch được vùng sản xuất rau an toàn tập trung, trong đó có 20ha rau theo quy trình VietGAP gắn với hệ thống nhà sơ chế trước khi đưa đi tiêu thụ trong nội thành. Thu nhập của người dân nhờ đó cũng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 1,46%.

Nhìn từ một trong những xã khó khăn nhất của huyện Thanh Trì thấy được rằng, bộ mặt NTM đã thực sự hiện diện trên mảnh đất này. Những xóm làng, những cánh đồng đầy những mùa vui đã lan tỏa ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện như Tả Thanh Oai, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh…
 Thanh Trì là huyện đầu tiên có 100% xã (15/15) xây dựng NTM trên địa bàn
Điều đáng mừng, NTM không chỉ hiện hữu ở vẻ ngoài hào nhoáng, ở thu nhập mà còn là sự bình yên của xóm làng. Trưởng Công an xã Hữu Hòa Nguyễn Sinh Lược, xã về đích cùng thời điểm với Duyên Hà tâm sự, an ninh cuộc sống của người dân có được đảm bảo hay không cũng chính là một trong những thước đo của NTM. Quả thực, nếu như năm 2010, xã Hữu Hòa có tới 35 đối tượng nghiện hút thì đến nay chỉ còn 18 đối tượng. Riêng năm 2015, xã đã vận động được 2 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Tình trạng cờ bạc, đánh nhau trên địa bàn giảm rõ rệt, nhiều năm xã không xảy ra trọng án, khiếu kiện vượt cấp. Điều đó càng làm cho người dân thêm tin tưởng vào chương trình xây dựng NTM.
Với 2 xã về đích trước thềm năm mới, Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng NTM ở 15/15 xã trên địa bàn. Hiện nay, huyện đã hoàn tất hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xét duyệt đạt chuẩn huyện NTM. Đây là kết quả được đánh giá là ngoài mong đợi của cả chính quyền, Nhân dân địa phương bởi trước khi xây dựng NTM, toàn huyện Thanh Trì mới đạt bình quân 13 tiêu chí, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và đời sống của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn. Chính sự bứt phá ở chặng nước rút đã làm nên một kết quả rực rỡ cho huyện ven đô này khi Thanh Trì là huyện đầu tiên hoàn thành xây dựng NTM ở 100% xã trên địa bàn.

Ưu tiên phát triển kinh tế

Xây dựng NTM là chặng đường đầy khó khăn, chông gai và cũng là “liều thuốc thử” cho toàn bộ hệ thống chính trị ở cơ sở. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nơi nào có sự đồng thuận, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt thì nơi đó sẽ thành công. Và Thanh Trì là một trường hợp như thế.

Bắt tay vào xây dựng NTM, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Trì đã coi đây là chương trình trọng điểm, xuyên suốt toàn bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015 và những năm tiếp theo. Phương châm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM của huyện đã được xác định rõ ràng theo hướng “tập trung, sâu sát, năng động, sáng tạo và hiệu quả”. Nhờ xác định đúng hướng, từ huyện tới cấp xã, thôn đã có sự đầu tư đúng, trúng và tập trung cho chương trình.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh chia sẻ, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã thường xuyên tổ chức họp giao ban hàng tháng. Thậm chí trong giai đoạn nước rút, xã tổ chức họp giao ban hàng tuần để đôn đốc và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Xây dựng NTM không phải là dự án xây dựng cơ bản mà là một chương trình phát triển toàn diện khu vực nông thôn, trong đó người dân là chủ thể, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Nhận thức được vấn đề cốt lõi đó, huyện Thanh Trì đặc biệt quan tâm tới việc huy động tối đa nguồn lực, xây dựng hạ tầng nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trước khi có Quyết định 16 của UBND TP về hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn, Thanh Trì đã chủ động, sáng tạo thực hiện thí điểm mô hình “Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân tổ chức thi công” tại thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng với chiều dài hơn 2km, kinh phí giảm được 2,4 tỷ đồng so với dự toán. Thành công của mô hình điểm, cộng với những quyết sách tích cực của TP đã tạo sức bật cho phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện. Trong vòng 5 năm qua, đã có hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Trì tham gia hiến đất mở rộng đường làng ngõ xóm với diện tích trên 11.300m2, tiểu biểu là các xã Vạn Phúc, Ngũ Hiệp, Đại Áng, Đông Mỹ…

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo huyện Thanh Trì đặt lên hàng đầu là phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn cho biết, đây là điều kiện quyết định để nâng cao đời sống cho Nhân dân và cũng chính là tiêu chí để người dân cảm nhận rõ nét nhất về chương trình xây dựng NTM. Xác định lợi thế của địa phương là phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ven đô, trong vòng 5 năm qua, huyện Thanh Trì đã đầu tư hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng cho phát triển sản xuất, nhất là đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa sau dồn điền đổi thửa.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như cây ăn quả 150ha (Vạn Phúc, Yên Mỹ), rau an toàn (Yên Mỹ, Duyên Hà), nuôi trồng thủy sản (Đại Áng, Tứ Hiệp, Đông Mỹ)… Đặc biệt, với việc chủ động đề xuất TP huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung Vạn Phúc, Thanh Trì là huyện đầu tiên của Thủ đô xóa bỏ được các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và đảm bảo ATTP.

Có thể nói, thành tựu đạt được trong xây dựng NTM của huyện Thanh Trì thực sự rất đáng ghi nhận, là trái ngọt sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn. Cách làm năng động, sáng tạo, đi vào chiều sâu của huyện Thanh Trì rất đáng để các địa phương khác học tập, nhân rộng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần