Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hy Lạp vẫn cần thắt lưng buộc bụng trong thời gian dài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - BBC dẫn nhận định của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp ông George Papaconstantinou rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 4% năm nay và 2,5% cho tới 3% vào năm sau.

KTĐT - BBC dẫn nhận định của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp ông George Papaconstantinou rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 4% năm nay và 2,5% cho tới 3% vào năm sau.

Dù được cứu trợ nhiều tỷ đôla Mỹ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) hồi quý 2 vừa qua, Hy Lạp cũng như nhiều nước phương Tây khác vẫn chưa tìm ra đáp án hiệu quả cho bài toán thâm hụt ngân sách.

Công cuộc đấu tranh giảm thâm hụt của Hy Lạp sẽ còn khó khăn chồng chất khó khăn, do ảnh hưởng từ tác động tiêu cực của môi trường kinh tế vĩ mô và sự suy yếu trong hoạt động kinh tế nhiều quốc gia khu vực châu Âu.

Mới đây, châu Âu hé lọ mức thâm hụt năm 2010 sẽ vào khoảng 8,9% GDP, cao hơn so với mức từng dự toán trước đây là 8,1% trên GDP. Mặc dù tình hình nợ nần của Hy Lạp trong năm 2010 có chuyển biến khả quan hơn so với năm 2009, nhưng dự toán trên vẫn xác nhận Hy Lạp lại một lần nữa trượt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách. Báo cáo ngân sách năm 2009 cho thấy mức thâm hụt là 15,5% trên GDP, cao hơn so với mức ước tính trước đó chỉ 13,5% trên GDP.

BBC dẫn nhận định của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp ông George Papaconstantinou rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 4% năm nay và 2,5% cho tới 3% vào năm sau.

Trái chủ trái phiếu chính phủ Hy Lạp sẽ lại thêm phen thấp thỏm trong thời gian Hy Lạp tiến hành tái cơ cấu núi nợ quốc gia. Lợi suất trên thị trường trái phiếu Hy Lạp liên tục trồi sụt, sau khi giảm từ mức trên 11% xuống dưới 9% trong tháng qua. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện đã vọt lên mức 10,3% từ mức 9,3%.

Tương tự Hy Lạp, nhiều con nợ lân cận như Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng chật vật vượt cạn. Ireland hy vọng sẽ nhận được 15 tỷ euro để kéo giảm thâm hụt ngân sách từ mức 32% xuống còn 3% trên GDP vào năm 2014. Bồ Đào Nha giới hạn mục tiêu thâm hụt ngân sách vào khoảng 9% trên GDP. Tây Ban Nha kỳ vọng giảm thâm hụt về 6% GDP từ mức 11% hồi năm ngoái.

Việc nhiều nền kinh tế suy yếu nhất nhì châu Âu trượt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách có thể sẽ gây tranh cãi về đường lối giảm thâm hụt ngân sách mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chủ trương trước đây. Giảm chi tiêu và tăng thuế có thể trở thành con dao hai lưỡi đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài thay vì phục hồi tăng trưởng.

Phương án giảm thâm hụt ngân sách bằng con đường tiết kiệm chi tiêu và tăng nguồn thu từ thuế dần được một số nước nhận ra là rào cản cho tăng trưởng kinh tế và vội vã đảo ngược “nước cờ” từ giảm thâm hụt trước tăng trưởng sau, sang thúc đẩy tăng trưởng kéo giảm thâm hụt. Nhiều nước châu Âu đang tiến hành cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cá nhân và thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, Hy Lạp lại là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt với biểu thu thuế xếp vào hàng nghèo nhất châu Âu. Tỷ lệ nợ trên GDP lên tới 133% được Eurostat - Cơ quan Thống kê Ủy ban Châu Âu (EC) ước tính tới năm 2009 đã lý giải cho việc Hy Lạp cần kiên định với quan điểm giảm thâm hụt bằng giảm chi tiêu và tăng thuế thêm một thời gian nữa. Kế hoạch giảm chi tiêu sẽ chiếm 2/3 trong kế hoạch giảm thâm hụt trong năm nay, nhưng ngược lại kế hoạch tăng thuế sẽ chiếm 60% trong kế hoạch giảm thâm hụt vào năm sau.