70 năm giải phóng Thủ đô

Hy vọng "áp chót" của Iran trong ngành dầu mỏ vụt tắt?

Cẩm Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt DN lớn của Ấn Độ trong lĩnh vực dầu mỏ tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu từ Iran vào tháng 11.

Điều này dấy lên nghi ngại rằng Tehran đang có nguy cơ mất đi một “khách hàng lớn” trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ sắp có hiệu lực.

Ấn Độ mới gia nhập đội ngũ các “khách hàng” dầu mỏ lớn như Hàn Quốc và Nhật Bản, quyết định ngừng nhập khẩu dầu từ quốc gia vùng Vịnh, trước khi các lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực đầu tháng 11 này. Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng như “khách hàng” hàng đầu của Iran sẽ có động thái tương tự.

Tập đoàn dầu lửa Ấn Độ và dầu khí Bharat – hai nhà lọc dầu quốc doanh lớn nhất Ấn Độ đã tuyên bố không đặt hàng từ Iran trong tháng 11. Hãng năng lượng Nayara và công ty lọc dầu và hóa dầu Mangalore cũng khẳng định tương tự. Đây là 4 DN mua hàng lớn nhất của Ấn Độ, chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu dầu của Iran. “Kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày trong tháng 11, trong bối cảnh Ấn Độ ngừng nhập dầu và Trung Quốc có thể cắt giảm nhập khẩu” - chuyên gia Amrita Sen của công ty Energy Aspects tại London nhận định.

Việc Iran giảm kim ngạch xuất khẩu nhanh chóng đã đẩy giá dầu thô Brent lên mức cao nhất trong 4 năm lên hơn 80USD/thùng. Trên thế giới hiện tại còn Ả Rập Saudi, các tiểu Vương quốc Ả Rập và Nga có khả năng bơm thêm vào thị trường "vàng đen". Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc hôm 25/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các lãnh đạo Iran trong khi ca ngợi Ấn Độ là quốc gia có “xã hội tự do và giải thoát hàng triệu người khỏi nghèo đói”.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang ngày càng cứng rắn trong vấn đề Iran. Washington mong muốn cắt đứt hoàn toàn việc nhập khẩu dầu Iran từ tháng 11. Trong khi các lệnh trừng phạt Iran dưới thời Tổng thống Barack Obama vẫn cho phép các quốc gia được giao dịch với Iran, chỉ là với kim ngạch hạn chế. Thái độ cứng rắn này còn thể hiện qua việc những thùng dầu từ Iran ngày càng vắng bóng trên thị trường. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trong nhóm khách hàng lớn của ngành dầu Iran tuyên bố ngừng giao dịch từ tháng 8. Các nhà lọc dầu Nhật Ban sau đó cũng tạm thời ngừng nhập dầu từ Tehran.

Ấn Độ và Trung Quốc là niềm hy vọng còn sót lại của quốc gia vùng Vịnh. Mới 4 tháng trước, Ngoại trưởng Ấn Độ còn khẳng định New Delhi sẽ không bị bó buộc bởi bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào, cũng như cam kết tiếp tục mua dầu thô từ Iran.  Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố tương tự và được cho là đã bác bỏ yêu cầu cắt giảm nhập khẩu dầu Iran từ Mỹ.

Thái độ “diều hâu” của Washington trong vấn đề này cũng khiến việc thiếu hụt nguồn cung dầu từ Iran tác động mạnh mẽ hơn dự đoán lên thị trường. Khi Tổng thống Trump tuyên bố kế hoạch tái trừng phạt ngành dầu mỏ Iran hồi tháng 5, thị trường dự đoán thiếu hụt 300.000 - 700.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, những bước đi cứng rắn của ông Trump đã khiến dự đoán này tăng lên 1,5 triệu thùng/ngày. Các chuyên gia từ Tập đoàn Năng lượng Mercuria Energy và Trafigura dự đoán việc thiếu hụt nguồn cung từ Iran có thể đẩy giá “vàng đen” lên tới 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014.