Hy vọng mới cho học viên cai nghiện thành công

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những học viên đang cai nghiện ma túy (CNMT) tại các cơ sở CNMT chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng đều được tham gia chương trình tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm để có cơ hội tìm việc, nuôi sống bản thân, ổn định cuộc sống và tránh xa ma túy.

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội tổ chức Chương trình tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho 150 học viên cai nghiện chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Thủy Trúc  
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội tổ chức Chương trình tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho 150 học viên cai nghiện chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Thủy Trúc  

Chuẩn bị hành trang tìm việc

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã và đang phối hợp với với các cơ sở CNMT số 2, số 3, số 5… để tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên đang cai nghiện sắp hòa nhập cộng đồng. Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành chia sẻ: Trong năm 2022, trung tâm đã tổ chức các hoạt động, các buổi tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho lực lượng học viên đang cai nghiện và sau cai nghiện về cộng đồng. Đây là chương trình rất có ý nghĩa và hết sức nhân văn đã được Trung tâm phối hợp với các cơ sở CNMT thực hiện tốt trong những năm qua.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã tổ chức các hội nghị, chương trình tư vấn nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động, vị trí việc làm cho người lao động. Và, thông qua các hoạt động tư vấn, Trung tâm giới thiệu tới học viên cai nghiện về các cơ sở dạy nghề, thông tin đào tạo nghề; những DN có nhiều vị trí việc làm trống đang cần tuyển dụng lao động... Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn tổ chức các hoạt động để trang bị thêm một số kỹ năng cho học viên cai nghiện như trả lời phỏng vấn, chuẩn bị hồ sơ...

“Chúng tôi muốn các học viên đang trong thời gian chữa trị tại cơ sở CNMT được tư vấn, hướng nghiệp, trang bị kỹ năng để khi quay trở lại cộng đồng tham gia vào thị trường lao động một cách tích cực hơn. Cũng như các học viên nắm được xu thế dịch chuyển để tìm kiếm những nghề phù hợp khi tái hòa nhập cộng đồng. Hoặc các bạn đang trong thời gian điều trị tại cơ sở cai nghiện thì được học nghề phù hợp để sau này có thể tiếp cận được những vị trí việc làm với nghề đã học” - ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, thông qua những hoạt động tư vấn, lãnh đạo Trung tâm DVVL Hà Nội, cơ sở CNMT nắm bắt được những chia sẻ của những học viên đang điều trị tại đây, cũng như tâm tư, nguyện vọng, mong muốn làm nghề gì, đặc biệt là lắng nghe sự chia sẻ của người cai nghiện về quá trình hòa nhập cộng đồng và sự dang tay đón nhận của gia đình, xã hội để tránh tái nghiện.

Tạo cơ hội cho học viên trở lại cộng đồng

Phát biểu tại Chương trình tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho 150 học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, Giám đốc Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội Phạm Đình Giang nhấn mạnh về việc cai nghiện thành công là một hành trình đầy khó khăn và có rất nhiều thử thách. Song, việc giữ gìn để không bị tái nghiện là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng và gặp muôn vàn gian nan.

Trong đó, tìm được việc làm là một trong những yếu tố quan trọng có tác động đến hiệu quả phòng chống tái nghiện của người sau CNMT. Khi có công việc, người sau cai nghiện mới có thu nhập để duy trì và ổn định cuộc sống, khôi phục kỹ năng, nâng cao nhận thức về giá trị của lao động. Cũng như giảm thiểu thời gian nhàn rỗi và hạn chế tiếp xúc với những nguy cơ cao dẫn đến tái nghiện. Thế nhưng, tìm được việc làm đối với người đã có tiền án, tiền sự, người từng nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ dàng.

Do đó, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người hoàn thành cai nghiện ma túy từ các cơ sở CNMT trở về cộng đồng luôn được Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội luôn quan tâm, giúp đỡ. Đây cũng là chủ trương, chính sách mang tính nhân văn và ý nghĩa thiết thực giúp học viên cai nghiện tiếp cận tốt nhất với các nguồn trợ giúp từ xã hội khi trở về cộng đồng. Về phía các cơ sở CNMT, bên cạnh việc điều trị nghiện còn tổ chức nhiều chương trình như dạy văn hóa, đào tạo nghề… cho học viên. Đơn cử, Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội, bên cạnh công tác tư vấn hướng nghiệp còn đang đào tạo nghề May cho học viên cai nghiện.

“Cơ sở luôn theo dõi một số học viên khi hòa nhập cộng đồng tìm kiếm việc làm đạt kết quả; liên kết với một số tổ chức lãnh đạo ở địa phương nhờ hỗ trợ việc làm cho học viên trở về cộng đồng. Và, tiếp tục tư vấn cho học viên về kỹ năng khi làm việc” - Giám đốc Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội Phạm Đình Giang cho hay.

Trước những băn khoăn của một số học viên khi hòa nhập cộng đồng khó tìm được việc làm bởi cảm giác mặc cảm và tự ti, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành phản hồi: Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục phối hợp và tư vấn cho các DN sẵn sàng sử dụng đối tượng lao động yếu thế, trong đó có học viên sau CNMT ở các cơ sở trở về cộng đồng.

Tuy nhiên, các học viên sau cai trở về cộng đồng phải có ý thức, nghị lực và thoát ra được những cám dỗ trước đây, khẳng định được niềm tin đối với gia đình và xã hội. Khi các bạn đứng vững được với khả năng của mình, Trung tâm sẽ hỗ trợ giới thiệu đến các DN để tìm kiếm công việc ổn định, bền vững, có thu nhập cho bản thân và gia đình.

Về phía Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội đề nghị xã, phường cử cán bộ hoặc tổ chức công tác xã hội hỗ trợ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học viên CNMT trở về địa phương. Đồng thời, liên hệ với các DN ở địa phương tạo điều kiện cho người sau cai nghiện trở về có công việc phù hợp với khả năng; hỗ trợ cho họ được vay vốn để mở cửa hàng buôn bán giải khát, cắt tóc, sơn sửa móng chân, tay,…để duy trì cuộc sống và tránh xa ma túy.

Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng phòng, chống ma túy

Sở LĐTB&XH Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy; ngày Thế giới và ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6” năm 2022.

Theo đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội phát động phong trào thi đua trong cán bộ, giảng viên, người lao động, học sinh các trường trung cấp thuộc Sở tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy, các kỹ năng phòng chống ma túy bằng nhiều hình thức phù hợp. 100% cán bộ giảng viên, người lao động, học sinh đăng ký tham gia cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 do nhà trường phát động.

Các đơn vị tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên, người lao động những kiến thức cơ bản về ma túy, kỹ năng phòng, chống ma túy trong nhà trường để giảng viên lồng ghép nội dung này trong quá trình dạy học, nâng cao kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh.

Các cơ sở CNMT tổ chức các hoạt động thi đua tại để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, xây dựng môi trường thân thiện, an toàn. Trong đó, tổ chức tuyên truyền hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy; ngày Thế giới và ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6” cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học viên.

Đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật giữa các đội quản lý học viên để nâng cao nhận thức về CNMT; sân khấu hóa hoặc thi hái hoa dân chủ, lồng ghép với các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với ma túy. Các cơ sở CNMT tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể dục, thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn…tạo môi trường “đoàn kết, thân thiện”.

Sở LĐTB&XH Hà Nội dự kiến tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy, ngày Thế giới và ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6” tại trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu T.Ư, TP Hà Nội, sở, ngành TP, quận, huyện, thị xã…