Diễn biến này một lần nữa đẩy mâu thuẫn giữa Nga – Ukraine lên một tầm mức mới.Bộ Ngoại giao Nga đã thể hiện rõ sự mất kiên nhẫn và giận dữ của mình khi cho biết, “không thể chịu đựng sự xúc phạm này thêm nữa, đó là sự lừa dối trắng trợn và Kiev đã từ chối đạt được một thỏa thuận”. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov hôm 21/8, trong cuộc họp với ông Laurent Korba - người phụ trách các hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) ở châu Âu và Trung Á đã phủ nhận những tuyên bố mang tính đồn đoán của một số nước châu Âu và NATO cho rằng, Nga dường như đã có kế hoạch xâm lược quân sự vào Ukraine “dưới vỏ bọc của một chiến dịch nhân đạo”.
Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo của Nga cho Ukraine tại Voronezh.
|
Thứ trưởng Quốc phòng Nga cũng lưu ý kết quả của rất nhiều lần kiểm tra các xe chở hàng viện trợ nhân đạo cho thấy, không hề phát hiện được bất kỳ hàng hóa không khai báo nào trong đoàn xe viện trợ. Việc 280 xe tải chở 2.000 tấn hàng nhân đạo đã vượt qua biên giới và tới một trạm hải quan bên trong lãnh thổ Ukraine cho thấy, Moscow đã quyết định hành động. Dù mục đích của Nga là gì thì người dân khu vực cũng có thêm hy vọng số hàng cứu trợ để giúp họ thoát khỏi cuộc sống khó khăn hiện tại.
Không chỉ có Nga, cộng đồng quốc tế cũng thể hiện sự quan ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực miền Đông Ukraine. Bà Valerie Amos - người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên Hợp quốc trong cuộc gặp với Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tại Kiev hôm 22/8 đã yêu cầu Chính phủ Ukraine tạo môi trường hợp pháp cho viện trợ nhân đạo tại miền Đông nước này. Theo kế hoạch, bà Valerie Amos dự kiến sẽ đến khu vực miền Đông Ukraine để đánh giá về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại khu vực đang có giao tranh. Trên thực địa, cuộc chiến giữa lực lượng ly khai và quân đội vẫn diễn ra căng thẳng, thậm chí, quân đội Ukraine còn phải chịu tổn thất nặng nề trong cuộc phản công dọc tuyến đường tiếp tế chính vào thành trì Donetsk của lực lượng ly khai. Tổn thất của quân đội Ukraine không ngừng tăng lên cho thấy, lực lượng ly khai đang tạo ra mối đe dọa lớn, tạo nhiều sức ép buộc Kiev phải tìm kiếm một cuộc đàm phán hòa bình vào ngày 26/8 tại Thủ đô Minsk của Belarus – nơi dự kiến sẽ diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine cho biết, ông Poroshenko dự định sẽ đàm phán về hòa bình trong khu vực này. Ông Poroshenko tuyên bố sẽ cùng một "đội ngũ mạnh" gồm 3 đại diện cấp cao từ EU, nhằm thể hiện được quan điểm vững chắc trong đàm phán vì “Ukraine đang tìm kiếm hòa bình. Thế giới đã quá mệt mỏi với chiến tranh”.
Hiện, chưa rõ cuộc đàm phán này sẽ có kết quả thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu các bên liên quan có thiện chí, một thảm họa khủng hoảng sẽ được giảm thiểu khi người dân khu vực miền Đông Ukraine có thời gian để tạm thời ổn định cuộc sống, di tản sang vùng không có chiến sự.