Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hyundai Thành Công: Trăn trở và kỳ vọng vào ô tô thương hiệu Việt

Hoàng Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Hyundai Thành Công là một trong số ít DN đang lắp ráp và nội địa hóa ô tô trong nước thông qua liên kết với Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc).

Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Hyundai Thành Công Lê Ngọc Đức chia sẻ, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhờ vào lực kéo của thị trường, lực đẩy của công nghệ và lực nâng của chính sách.
Lập liên doanh, quyết xuất khẩu ô tô

Ngày 30/3/2017, Tập đoàn Thành Công đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất, lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Mặc dù đứng trước bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) nhưng Tập đoàn Thành Công vẫn liên doanh với Hyundai Motor Hàn Quốc trong năm 2018. “Để có thể đạt được những mục tiêu về nội địa hóa trên 40% chúng tôi sẽ phải bắt tay, liên kết với rất nhiều những DN trong nước và nước ngoài, đặc biệt là những DN Hàn Quốc” - ông Lê Ngọc Đức chia sẻ. Mục tiêu của Hyundai Thành Công sẽ chuyển dịch từ tỷ trọng 20% xe lắp ráp (CKD) tăng lên trên 90% trong năm 2018.
 Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công. Ảnh: Hoàng Giang
Thực tế, ngoài việc chính thức liên doanh hợp tác mở rộng sản xuất, lắp ráp, cơ cấu sản phẩm ô tô du lịch mang thương hiệu Hyundai tại thị trường Việt Nam, Hyundai Thành Công còn phát triển hệ thống công nghiệp phụ trợ ô tô nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất, đưa ra thị trường nội địa các sản phẩm chất lượng tốt với mức giá cạnh tranh, hướng tới mục tiêu cao nhất là xuất khẩu sang các thị trường lân cận.

Đây là những tín hiệu tích cực giúp cho Chính phủ có niềm tin vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong dài hạn với sự tham gia của các DN hạt nhân. Xuất khẩu ô tô từ Việt Nam ra thị trường nước ngoài và xe ô tô thương hiệu Việt Nam giờ đây không còn là giấc mơ nữa mà đang dần trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Trông đợi vào nhân tố mới

2017 là một năm nhiều khó khăn đối với các hãng xe khi doanh số bán xe toàn thị trường của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã giảm 9,3%. “Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, Hyundai Thành Công sẽ nắm bắt nhu cầu thị trường người tiêu dùng trong năm 2018, tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Chúng tôi xác định nếu không mở rộng đầu tư sản xuất, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, nghĩa là chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà và mất đi cơ hội ở thị trường Việt Nam”- ông Đức chia sẻ.

Tuy vậy, CEO của Hyundai Thành Công tâm tư, ngoài những nỗ lực của DN, cần cả sự hỗ trợ, động viên từ Chính phủ, các bộ, ban ngành. Các chính sách mới ban hành đã có những tác động tích cực tới các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Tuy nhiên, các ưu đãi đưa ra, cụ thể theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP mức thuế linh kiện giảm về 0% là chưa đủ mạnh (không áp dụng đại trà cho tất cả các linh kiện). “Theo tính toán của DN, mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp theo cơ sở tối đa chỉ dao động từ 12 – 15%, trong khi đó nếu được giảm thuế từ 30 - 0%, các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc sẽ có thể giảm từ 23 – 25% giá bán lẻ so với hiện nay. Vì vậy, với các ưu đãi theo Nghị định 125 đưa ra, DN sản xuất lắp ráp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN” - ông Đức phân tích.

Để Chiến lược cũng như Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được thực hiện thành công, sớm đưa ngành công nghiệp ô tô trở thành một trong những ngành kinh tế công nghiệp quan trọng của đất nước, các DN trong nước đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến thuế, phí. Cụ thể, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Theo đại điện Hyundai Thành Công, đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các DN sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra.

“Về dài hạn, chúng tôi tha thiết mong Chính phủ, bộ, ngành liên quan có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các DN trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia” - ông Lê Ngọc Đức bày tỏ.

"Miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam, buộc DN cam kết đầu tư dài hạn và chuyển giao công nghệ. Giải pháp này sẽ giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước, tối ưu hóa chi phí đầu vào, cung cấp ra thị trường những linh kiện nội địa hóa với mức giá cạnh tranh so với linh kiện nhập khẩu. Từ đó sẽ dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, góp phần giảm chi phí sản phẩm xe sản xuất lắp ráp trong nước." - Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Hyundai Thành Công Lê Ngọc Đức