IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro khi Mỹ - Trung tung "đòn thuế" trả đũa lẫn nhau

Nguyễn Phương (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath hôm 23/8 nói rằng họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những “điểm sáng” của kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF ngày 23/8 cho biết, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng mờ nhạt hơn giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài hơn 1 năm qua đang tiếp tục bị đẩy lên cao trào.
 Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath.
Chuyên gia Gita Gopinath lưu ý thêm rằng, những diễn biến leo thang của cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện tại đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
“Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận thấy rất khó để tìm ra những điểm sáng của kinh tế thế giới”, chuyên gia Gita Gopinath nói với hãng tin CNBC. “Kinh tế có khả năng phục hồi và chúng tôi vẫn mong đợi điều này diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng các nước sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt được kết quả tích cực”.
 Chuyên gia Gopinath đưa ra nhận định trên trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn đã ghi nhận đà giảm tốc. Tại khu vực Eurozone, Đứcđang rơi vào kinh tế trì trệ khi số liệu GDP chính thức quý II/2019 của Đức giảm 0,1% vàsố đơn hàng mới của ngành công nghiệp Đức hiện đang giảm với tốc độ nhanh nhất 10 năm qua.Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc trong quý II chứng kiến mức tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 27 năm.
Bà Gopinath cũng nhấn mạnh: “Tăng trưởng toàn cầu hiện đang chịu nhiều sức ép và triển vọng rất mong manh. Hiện kinh tế thế giới đối mặt nhiều rủi ro, và chúng tôi cho rằng yếu tố tác động lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế là căng thẳng thương mại”.
Trong khi đó, cuộc thương chiến Mỹ - Trung bất ngờ tăng nhiệt khi giới chức Bắc Kinh hôm 23/8 công bố áp thuế mới với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó ô tô có thể là một trong những hàng hóa sẽ bị đánh thuế. Ngay tối 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp trả loạt thuế mới của Trung Quốc bằng cách tăng 5% thuế đối với 550 tỷ USD hàng hoá nước này, trong động thái “ăn miếng trả miếng” mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, hôm 21/8, các chuyên gia kinh tế của IMF đã cảnh báo các mức thuế bổ sung mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa  Trung Quốc từ ngày 1/9 sẽ không giúp giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại, và cắt giảm lãi suất cũng sẽ không làm yếu đồng USD.
Bằng sự chỉ trích thẳng thừng hiếm thấy, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của IMF, Gita Gopinath khẳng định các động thái trên của Mỹ chỉ phản tác dụng, không những không giúp đạt những kết quả mong muốn và còn làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Cả hai bên đều tăng thuế cao hơn sẽ không thể giảm được bất cân bằng của cán cân thương mại, bởi họ chủ yếu chuyển thương mại sang các nước khác. Thay vì thế, cả hai sẽ tự làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của nước mình và toàn cầu bằng việc hủy hoại lòng tin của doanh nhân, làm giảm đầu tư, gây đứt quãng các chuỗi dây chuyền cung ứng toàn cầu, trong khi làm tăng chi phí đối với nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng" – chuyên gia Gopinath nhấn mạnh./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần