IMF loại trừ khả năng khủng hoảng tài chính toàn cầu nếu Nga vỡ nợ

Ngân Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.

Ngày 13/3, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định rằng Nga có thể vỡ nợ do hậu quả của các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà phương Tây áp đặt sau khi Moskva tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, nhưng điều này sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Logo Quỹ tiền tệ quốc tế. Ảnh: Reuters
Logo Quỹ tiền tệ quốc tế. Ảnh: Reuters

Theo TTXVN, phát biểu trên kênh truyền hình CBS (Mỹ), bà Georgieva cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang tác động nặng nề đến nền kinh tế Nga và sẽ khiến nước này lún sâu vào suy thoái trong năm nay.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng hạn chế khả năng của Nga trong việc tiếp cận các nguồn dự trữ và thanh toán những khoản nợ, đồng nghĩa với việc khả năng Moskva vỡ nợ không còn được coi là “không thể xảy ra”.

Tuy nhiên, quan chức IMF cũng tin tưởng rằng việc Nga vỡ nợ cũng sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới, vì tổng nguồn tiền của các ngân hàng liên quan đến Nga chỉ vào khoảng 120 tỷ USD, dù không nhỏ nhưng cũng khó tác động đến “toàn hệ thống”.

Theo bà Georgieva, tuần trước, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 4,4% trong năm 2022 do hậu quả của cuộc chiến tại Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng xu hướng tăng trưởng chung vẫn tích cực.

Người đứng đầu IMF chỉ rõ tăng trưởng vẫn mạnh mẽ ở các quốc gia như Mỹ, vốn nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tác động nghiêm trọng nhất từ hành động quân sự của Nga ở Ukraine là đẩy giá cả hàng hóa và lạm phát tăng vọt, tiềm ẩn khả năng dẫn đến nạn đói và mất an ninh lương thực ở các vùng của châu Phi.

Trong một diễn biến khác, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách gần 600 mặt hàng xa xỉ bị cấm xuất khẩu sang Nga và Belarus từ ngày 16/3, bao gồm rượu mạnh, thuốc lá, quần áo, đồ trang sức, xe cộ, đồ cổ, xe trượt tuyết, túi xách, vali, thảm và san hô.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai một đợt trừng phạt mới đối với Nga, có hiệu lực ngay trong ngày 13/3. Các biện pháp trừng này bao gồm lệnh cấm nhập khẩu sắt, thép từ Nga, cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga, cũng như đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này. Ngoài ra, EU cũng có kế hoạch mở rộng danh sách các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt.

Nga ước tính bị đóng băng 300 tỷ USD 

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 13/3 cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.

Ông Siluanov đưa ra con số trên trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhà nước.

Trong khi đó, hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Siluanov khẳng định rằng Nga sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nợ quốc gia và sẽ thanh toán bằng đồng rúp cho các chủ nợ trong khi chờ dự trữ quốc gia được dỡ bỏ phong tỏa.

Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. 

Cùng ngày 13/3, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko khẳng định hệ thống tài chính của nước này đang hoạt động bình thường, chính phủ có khả năng thực hiện tất cả các khoản thanh toán cần thiết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết hệ thống năng lượng của nước này ổn định, tính đến ngày 13/3.