Indonesia: Núi lửa Merapi lại phun khiến gần 50 người thiệt mạng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Núi lửa Merapi đã hoạt động trong ba giờ đồng hồ, bắt đầu từ 12 giờ đêm giờ Jakarta, phun liên tục tro bụi lên cao tới 8km. Hiện tro bụi núi lửa đã lan ra phạm vi tới 45km, ảnh hưởng tới các thành phố lân cận.

KTĐT - Núi lửa Merapi đã hoạt động trong ba giờ đồng hồ, bắt đầu từ 12 giờ đêm giờ Jakarta, phun liên tục tro bụi lên cao tới 8km. Hiện tro bụi núi lửa đã lan ra phạm vi tới 45km, ảnh hưởng tới các thành phố lân cận.

Rạng sáng nay 5/11, núi lửa Merapi tại tỉnh Trung Java của Indonesia lại phun trào một đợt mới, làm ít nhất 49 người thiệt mạng, 66 người bị thương nặng và hơn một triệu người phải đi sơ tán.

Đây là đợt phun trào mạnh nhất kể từ khi núi lửa này "thức giấc" ngày 26/10 vừa qua.

Theo Cơ quan theo dõi núi lửa tại thành phố Yogyakarta, núi lửa Merapi đã hoạt động trong ba giờ đồng hồ, bắt đầu từ 12 giờ đêm giờ Jakarta, phun liên tục tro bụi lên cao tới 8km. Hiện tro bụi núi lửa đã lan ra phạm vi tới 45km, ảnh hưởng tới các thành phố lân cận.

Như vậy, kể từ khi núi lửa Merapi bắt đầu phun trào ngày 26/10 đến nay, số người thiệt mạng đã lên tới 93 người.

Trong khi đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 4/11 cho biết Đội Hỗ trợ khẩn cấp của ASEAN (ERAT) đã được cử tới đảo Mentawai thuộc Tây Sumatra, Indonesia để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả trận động đất gây sóng thần làm ít nhất 108 người thiệt mạng, hơn 500 người mất tích, xảy ra đêm 25/10 vừa qua, đồng thời đánh giá các nhu cầu thiết yếu tại những vùng chịu ảnh hưởng của thảm họa.

Ngay sau khi xảy ra thảm họa trên, ERAT đã tới Mentawai và đã làm việc với các cơ quan phòng chống thiên tai cũng như các quan chức cấp cao trong chính phủ, chính quyền địa phương và các lực lượng quân sự Indonesia.

ERAT cũng phối hợp với những tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ quốc tế nhanh chóng đánh giá tình hình và triển khai các hoạt động cứu hộ khẩn cấp.

Ngày 3/11, ERAT đã trở lại Jakarta để báo cáo tình hình với Tổng Thư ký ASEAN và ban thư ký ASEAN để thảo luận các bước hành động tiếp theo.

ERAT được xây dựng theo Thỏa thuận ASEAN về kiểm soát thiên tai và xử lý khẩn cấp (AADMER) và thành lập nhân sự vào tháng12/2009. ERAT được triển khai theo sự sắp xếp của Ủy ban ASEAN về kiểm soát thiên tai (ACDM) gồm các cơ quan kiểm soát thiên tai của 10 nước thành viên.

Đây là lần thứ ba ERAT được triển khai, sau lần tới Myanmar vào tháng 5/2008 giúp khắc phục hậu quả bão Nargis và đến Lào vào tháng 9-10/2009 sau mưa lũ./.