70 năm giải phóng Thủ đô

Indonesia thắt chặt quản lý ngành công nghiệp Halal

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp Indonesia trong lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản tin rằng quy định yêu cầu chứng nhận Halal cho các sản phẩm, có hiệu lực vào tháng này, sẽ thúc đẩy cơ hội phát triển tại thị trường trong nước và quốc tế.

Theo quy định của chính phủ, các công ty thực phẩm và đồ uống tại quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới cùng với các nhà cung cấp nguyên liệu thô phải được Bộ Tôn giáo cấp chứng nhận Halal trước ngày 17/10. Những doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị phạt tiền hoặc sản phẩm có thể bị loại khỏi thị trường.

Chứng nhận Halal yêu cầu sản phẩm của các doanh nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn riêng của đạo Hồi.

Trong khi các công ty lớn có thể đáp ứng kỳ hạn trên, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp và chi phí cao. Chính phủ đã cung cấp miễn phí 1 triệu chứng chỉ cho khu vực này và gia hạn hai năm.

Chứng nhận Halal yêu cầu sản phẩm của các doanh nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn riêng của đạo Hồi. Ảnh: The Halal Times
Chứng nhận Halal yêu cầu sản phẩm của các doanh nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn riêng của đạo Hồi. Ảnh: The Halal Times

Dellvionico, nhân viên tiếp thị tại công ty thực phẩm Kecap Korma đã được cấp chứng nhận Halal cho các sản phẩm nước sốt, cho biết: “Việc xử lý đơn đăng ký có thể mất vài tháng và tốn khoản chi phí lớn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Dù chi phí cao, các công ty trong ngành vẫn nhận thấy tầm quan trọng của việc được cấp chứng nhận do hơn 85% dân số Indonesia theo đạo Hồi.

"Có chứng nhận sẽ giúp sản phẩm dễ dàng phân phối đến các siêu thị và nhà bán lẻ lớn," Dellvionico nói. Các sản phẩm không có chứng nhận chỉ có thể bán ở những chợ truyền thống với giá cả thấp hơn.

Adinda Maharani từ Mondelez International tại Indonesia cho biết chứng nhận halal sẽ giúp tăng doanh số vì người tiêu dùng Hồi giáo luôn kiểm tra tính Halal – những tiêu chuẩn, đặc điểm phù hợp với quy tắc và hướng dẫn của đạo Hồi - của sản phẩm. Mondelez, cùng với các thương hiệu như Kraft, Cadbury, và Oreo, đã được cấp chứng nhận cho nhiều sản phẩm.

Sản phẩm không nhận được chứng nhận Halal vẫn được phép bán sau ngày 17/10, nhưng phải được dán nhãn rõ ràng và nêu rõ thành phần không theo tiêu chuẩn của Halal.

Samer Elhajjar, giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định sáng kiến này nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng và quảng bá Indonesia như một trung tâm sản xuất các sản phẩm halal hàng đầu.

Kecap Korma đang xem xét xuất khẩu sang các thị trường Hồi giáo như Malaysia. Trong khi đó, nhà phát triển Modern Industrial Estate tin rằng quy định này sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến khu công nghiệp sản xuất các sản phẩm halal của công ty. Một trong những tập đoàn lớn của Thái Lan, Charoen Pokphand Group, đã mua gần 20% diện tích khu vực này.

Levina Siatono, giám đốc tiếp thị của công ty phát triển, nhận thấy sự gia tăng trong yêu cầu từ các nhà đầu tư khi quy định sắp có hiệu lực. Bà cũng cho biết công ty đang cân nhắc phát triển thêm một khu công nghiệp khác.

Tổng thống Joko Widodo khẳng định chiến dịch chứng nhận halal là một phần trong nỗ lực củng cố niềm tin vào sản phẩm halal của Indonesia, mở ra cơ hội để quốc gia trở thành trung tâm hàng đầu trong ngành công nghiệp Halal toàn cầu.