Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

JCPOA: Tiến triển mới, trở ngại mới

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bị lu mờ bởi chiến sự hiện tại ở Ucraine, tiến trình giữa các bên liên quan nhằm phục hồi hiệu lực của Thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) đạt được nhiều tiến triển tích cực rất đáng khích lệ.

Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran  
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran  

Tất cả bảy bên tham gia tiến trình này - bao gồm Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức - đều tỏ ra rất lạc quan. Dự thảo thỏa thuận mới cũng đã được cơ bản hoàn tất.

Trong bối cảnh tình hình chung như thế, diễn biến có ý nghĩa vô cùng quan trọng và quyết định là việc Iran và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đạt được sự nhất trí về lộ trình các bước đi cụ thể và thời gian cho việc kiểm chứng chương trình hạt nhân của Iran.

Không có sự đồng thuận giữa Iran và IAEA thì không thể có được thỏa thuận mới giữa các bên liên quan về khôi phục hiệu lực của JCPOA. Mặt khác, nếu không thấy có triển vọng sáng sủa và chắc chắn về giải cứu JCPOA thì Iran sẽ không cùng IAEA đi tới sự nhất trí về lộ trình này. Cứ theo đó thì trong tháng 6 tới, vấn đề hạt nhân của Iran sẽ có giải pháp mới dựa trên cơ sở là JCPOA.

Nhưng đúng vào thời điểm có tiến triển tích cực mới này lại xuất hiện trở ngại mới khi Nga lên tiếng yêu cầu Mỹ có văn bản đảm bảo cho Nga là các biện pháp của Mỹ trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ucraine không ảnh hưởng gì đến quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư giữa Nga và Iran.

Trong thực chất, Nga gián tiếp gắn việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran với chuyện Mỹ trừng phạt Nga liên quan đến Ucraine. Vấn đề đối với Mỹ không phải là đáp ứng yêu cầu đòi hỏi nói trên của Nga mà là đáp ứng nó bằng văn bản. Trắc trở mới này cảnh báo tất cả các bên liên quan là cần rất thận trọng trong lạc quan và những bước đi cuối cùng tới đích thường là những bước đi khó khăn nhất và vất vả nhất.