Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kênh đầu tư nào vừa an toàn, vừa sinh lời?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chọn kênh đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân nên thận trọng, một mặt căn cứ vào diễn biến của quá khứ gần trước đó, mặt khác cần lượng đoán các yếu tố tác động đến lãi suất của kênh đầu tư trong thời gian tới.

USD ổn định, vàng tăng sốc, cạm bẫy trực chờ
Vàng từ đầu năm 2019 đã tăng 16,23%, 7 tháng năm 2020 tăng tiếp 20,89%, tính chung tháng 7/2020 so với tháng 12/2018 tăng 40,51%, tốc độ tăng rất cao so với các kênh đầu tư khác trong cùng thời gian. Tính đến cuối tháng 7, giá vàng thế giới đã vượt qua đỉnh cũ (1.921 USD/ounce), đang được dự đoán sẽ lập đỉnh mới 2.200 USD/ounce trong năm 2020 và sẽ còn đạt mức cao hơn nữa 2.500 - 3.000 USD/ounce vào năm sau.
Giá vàng trong nước cuối tháng 7 đầu tháng 8 cũng đã vượt qua mốc 60 triệu đồng/lượng và đang được dự đoán vượt 65 triệu đồng/lượng trong năm nay và đỉnh mới 71 triệu đồng/lượng vào năm sau. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng lướt sóng vàng nhưng các chuyên gia cũng lưu ý các nhà đầu tư về trạng thái đã xảy ra khi giá vàng “vượt qua đỉnh” sẽ xuống rất sâu (như từ 49 triệu xuống 35 triệu đồng/lượng trước đây)….
 Gửi tiết kiệm có lãi thấp nhưng là lãi suất thực. Ảnh: Chiến Công
Giá USD đã cơ bản ổn định trong thời kỳ từ 2012 đến nay (bình quân thời kỳ 2011 - 2019 chỉ tăng trên 1,6%/năm và 7 tháng năm 2020 chỉ tăng 0,06%, thấp hơn định hướng tăng 2% của NHNN. Lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0%, thấp xa so với lãi suất tiền gửi nội tệ. Dự trữ ngoại hối hiện ở mức vượt qua 4 tháng nhập khẩu, ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế. Tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng đã giảm. Lòng tin đối với VND cơ bản bảo đảm.
Tuy tốc độ tăng tỷ giá USD trong những tháng tới có thể cao lên do nhiều đối tác thương mại lớn phá giá mạnh đồng nội tệ, lượng tiền tung ra thị trường của nhiều nước còn lớn hơn trong khủng hoảng 2008 - 2009, tỷ giá thương mại 6 tháng đầu năm đã chuyển từ dấu dương (có lợi cho xuất khẩu, bất lợi cho nhập khẩu) sang dấu âm (có lợi cho nhập khẩu hơn là xuất khẩu)… Tuy nhiên, khả năng cuối quý I/2021 sẽ tăng và có thể vượt qua mốc 2.400 - 2.500 VND/USD. Đây có thể là một trong những yếu tố quan trọng làm giá vàng tăng cao vào năm sau.
Chứng khoán có lãi, bất động sản chờ thời
VN-Index sau 4 năm tăng, bước sang năm 2020 đã giảm khá sâu và dự báo cả năm cũng sẽ giảm do tác động của dịch Covid-19, tác động của TTCK thế giới… Mặc dù nhiều chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm khi dịch Covid-19 được kiểm soát, VN-Index sẽ tăng lên, tuy nhiên so với cuối năm 2019 vẫn bị giảm. Nếu biết lựa chọn các mã (sẽ bùng lên sau dịch) và có kỹ thuật đầu tư tốt (biết chọn “đỉnh” và “đáy” theo chu kỳ tăng lên hay giảm xuống), nhà đầu tư vẫn có lãi.
Bất động sản (BĐS) nhìn tổng quát có 2 điểm đáng lưu ý. Điểm thứ nhất về lâu dài vẫn là kênh đầu tư có hiệu quả, bởi dân số Việt Nam hàng năm vẫn tăng khoảng 1 triệu người, trong khi diện tích đất cửa sông, cửa biển trước đây tăng, nhưng từ mấy năm nay lại giảm, chưa nói tới diện tích đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, phát triển kinh tế hàng năm chiếm tỷ trọng không nhỏ.
Điểm thứ hai, giá đất ở những nơi có công trình mới, những địa bàn hình thành hoặc mở rộng thị trấn, thị xã, TP, khu dân cư, khu công nghiệp vẫn tăng. Giá BĐS từ mấy chục năm qua đã qua 3 - 4 cơn sốt (giá tăng không chỉ tính bằng phần trăm, mà tính bằng lần, bằng chục lần; nhiều người trở thành đại gia cũng bắt đầu hoặc chủ yếu từ đầu tư vào BĐS), mỗi cơn sốt cách nhau 7 - 8 năm.
Từ vài năm nay, do cung tăng cao, vừa qua lại thêm tác động của dịch Covid-19, nợ BĐS cao, nên giá tăng chậm lại. Tới đây, nếu việc chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch cơ sở sản xuất của nhiều nước tới Việt Nam, thì nhu cầu mặt bằng tăng… sẽ kéo giá BĐS tăng lên. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này cần có vốn lớn, tính thanh khoản thấp… nên đầu tư không dễ. Dự báo, giá BĐS tăng và đạt đỉnh phải đến cuối năm 2021 hoặc 2022 sau khi giá vàng vượt qua đỉnh sang dốc bên kia.
Gửi tiết kiệm - kênh tạm trú
Gửi tiết kiệm chắc chắn có lãi suất danh nghĩa, trong mấy năm nay lãi suất cao hơn chỉ số giá tiêu dùng CPI, nên có lãi suất thực, do vậy ít bị rủi ro như các kênh đầu tư khác. Từ vài năm trước, nhiều ngân hàng thương mại để bảo đảm tính thanh khoản đã tăng lãi suất huy động lên mức khá cao. Tuy nhiên, từ mấy tháng nay đã giảm xuống, lãi suất thực không còn đáng kể. Hơn nữa nhiều người không coi đây là kênh đầu tư, bởi chỉ dành cho những người ít tiền, không biết đầu tư hoặc sợ rủi ro, để dành theo kiểu “tích cốc phòng cơ”. Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân nếu có gửi vào tiền vào ngân hàng trong giai đoạn này cũng chỉ là “tạm trú” chờ cơ hội đầu tư,…
Như vậy, hiện nay kênh có tỷ suất lợi nhuận cao nhất là vàng, tiềm tàng là BĐS, an toàn tuy lãi suất thấp nhưng có lãi thực là gửi tiết kiệm, chứng khoán giữ mức đã đầu tư hoặc chọn mã, chọn kỹ thuật đầu tư thì có thể vẫn có lãi…