Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết hợp sản xuất với văn hóa lễ hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau Tết, để kích cầu sản xuất và thu hút khách du lịch, đã có những làng nghề triển khai các hoạt động văn hóa, lễ hội độc đáo. Các hoạt động này là một trong những hướng phát triển du lịch làng nghề thời gian tới.

Những điểm sáng

Từ ngày mùng 10 Tết, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) khai mạc tuần lễ văn hóa du lịch làng nghề năm 2013. Ngay từ ngày đầu khai mạc, lượng khách du lịch đổ về đây khá đông, tham gia các hoạt động vui xuân, mua sắm kết hợp với văn hóa, tín ngưỡng mang đậm bản sắc truyền thống của làng nghề.

Theo thống kê của UBND phường Vạn Phúc, trong tuần lễ văn hóa du lịch làng nghề năm 2013, trung bình mỗi ngày có tới hàng trăm khách du lịch tới tham quan làng nghề. Năm 2012, làng nghề Vạn Phúc đã đón khoảng 12.000 lượt khách quốc tế và hơn 60.000 lượt khách nội địa tới tham quan, mua sắm. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề, kiêm Chủ nhiệm HTX dệt lụa Vạn Phúc cho biết, việc tổ chức tuần lễ văn hóa du lịch đầu năm là một trong những biện pháp kích cầu sản xuất và thu hút khách du lịch.

Kết hợp sản xuất với văn hóa lễ hội - Ảnh 1

Khách du lịch tham quan làng nghề Vạn Phúc. Ảnh Hải Linh

Tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, mặc dù nhiều hộ chưa đẩy mạnh sản xuất, song không khí những ngày đầu năm khá sôi nổi. Anh Nguyễn Thùy Dương, chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Dương Yến, thôn Giang Cao cho biết, lượng khách đến thăm quan du xuân đầu năm khá đông, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh đón khoảng 20 - 30 khách tới tham quan, mua sắm.

Bên cạnh những làng nghề sôi động trên, hoạt động du lịch tại nhiều làng nghề khác như làng tương, miến Cự Đà, nón Chuông (Thanh Oai), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)... còn khá ảm đạm, bởi ít khách tham quan.

Phát huy yếu tố văn hóa

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mới được UBND TP phê duyệt, việc phát triển làng nghề sẽ được đẩy mạnh gắn với du lịch và khôi phục văn hóa truyền thống. Đến năm 2030, Thủ đô sẽ phát triển 17 làng nghề kết hợp với du lịch.

Để thu hút khách du lịch đầu xuân 2013, làng nghề lụa Vạn Phúc đã có cách làm mới và bài bản. Trong đó, các hạng mục hạ tầng cơ sở được quy hoạch và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Đặc biệt, khu trình diễn, giới thiệu công nghệ dệt lụa tơ tằm truyền thống đã đi vào hoạt động, với 4 máy dệt sản xuất tại chỗ phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách. Ngoài ra, một điểm mới trong năm nay là các cửa hàng giới thiệu sản phẩm niêm yết giá bán, chất liệu từng loại mặt hàng.

Cùng với lễ rước Tổ nghề được tổ chức hoành tráng nhất từ trước đến nay, các đình, chùa trong làng nghề Vạn Phúc cũng được trang hoàng đẹp mắt. Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc chia sẻ, phường sẽ tiếp tục vận động các hộ sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các mặt hàng gắn với văn hóa. Đồng thời, tích cực tổ chức các sự kiện để quảng bá thương hiệu làng nghề và thu hút khách du lịch.

Ông Đặng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, để thu hút khách du lịch, trong thời gian tới, xã sẽ nghiên cứu, xây dựng và triển khai các lễ hội du lịch. Trong đó, gắn kết sản xuất, hoạt động tham quan với văn hóa, tín ngưỡng. Đây là một cách quảng bá sản phẩm rất hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự quan tâm hỗ trợ đầu tư, quy hoạch bài bản cho các làng nghề.