Sáng 5/8, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức họp báo công bố nguyên nhân các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có biểu hiện sốc, trong đó có 2 bệnh nhân bị nặng phải chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An thông tin tại cuộc họp báo. |
Thông tin tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Xuân Hồng cho biết, ca chạy thận thứ ba chiều 30/7 tại khoa Nội thận Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có 10 người xuất hiện phản ứng bất thường. Bốn người triệu chứng thoáng qua, tự hết sau khi kết thúc cuộc lọc thận. 6 người nặng hơn, ngoài tình trạng sốt còn tụt huyết áp, rét run, khó thở.
Bác sĩ lập tức ngừng máy chạy thận để chuyển bệnh nhân có phản ứng bất thường sang khoa khác cấp cứu. 2 người nặng hôm sau được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội tiếp tục điều trị, bác sĩ xác định họ bị sốc nhiễm khuẩn huyết. Hiện sức khỏe 10 bệnh nhân đều ổn định.
Ngày 1/7, Sở Y tế cùng lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã thành lập hội đồng chuyên môn, đồng thời mời 2 chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai tham gia kiểm tra quy trình chạy thận và tìm hiểu nguyên nhân. Qua đó, Hội đồng chuyên môn đã rà soát lại toàn bộ hệ thống, test và làm sạch hệ thống cấp nước R.O, lấy mẫu nước gửi Viện Sức Khỏe Nghề nghiệp và môi trường Hà Nội xét nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa, vì sinh và độc tố...
Ngày 4/8, Hội đồng chuyên môn kết luận: "Hệ thống dẫn nước R.O ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có những điểm nối và gấp góc, có điểm chết làm ứ đọng nước tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển". Hệ thống dẫn nước này được lắp đặt từ năm 2016, cung cấp nước siêu tinh khiết cho các máy chạy thận nhân tạo để lọc máu.
Thành viên Hội đồng chuyên môn giải đáp các vấn đề được nêu ra tại cuộc họp báo. |
Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hiện hệ thống cấp nước lọc thận ở bệnh viện Nghệ An thiết kế theo dạng đường ống đi men tường, dài, nhiều đoạn gấp khúc.
Theo tiêu chuẩn thế giới khuyến cáo là các dẫn này ống phải ngắn, suôn thẳng và ít gấp khúc nhất để không có những điểm gờ gây ứ đọng nước. Chính những đoạn gấp góc này làm ứ đọng nước, vi khuẩn có điều kiện phát triển gây nhiễm khuẩn đường ống. Cũng theo ông Dũng, nguyên nhân tai biến chạy thận ở Hòa Bình là do hóa chất, còn sự cố chạy thận tại Nghệ An là do vi khuẩn.
Sau khi xảy ra vụ việc, hiện các máy chạy thận ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vẫn ngưng hoạt động. Các bệnh nhân chạy thận định kỳ tại đây đã được chuyển đến các bệnh viện khác trên địa bàn để tiếp tục điều trị.