Kết nối không gian kinh tế của Thủ đô Hà Nội với không gian phát triển kinh tế của các tỉnh dọc đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Phạm vi lập quy hoạch xây dựng dọc đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai có chiều dài toàn tuyến khoảng 264 km, bề rộng mỗi bên dọc theo tuyến trung bình khoảng 2 km, trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố...

KTĐT - Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Phạm vi lập quy hoạch xây dựng dọc đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai có chiều dài toàn tuyến khoảng 264 km, bề rộng mỗi bên dọc theo tuyến trung bình khoảng 2 km, trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Tổng diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 1.000 km2 (sẽ được xác định cụ thể trong quá trình nghiên cứu quy hoạch).

Trên cơ sở xác định đây là hành lang giao thông cao tốc quan trọng, bao gồm cả đường sắt và đường bộ, kết nối khu vực Bắc ASEAN với khu vực Tây Nam Trung Quốc, tạo sự liên thông hướng ra biển của 2 khu vực này; là hành lang phát triển kinh tế, trục đô thị hoá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội và quan hệ quốc tế của vùng Hà Nội, vùng Bắc Bộ và cả nước, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng dọc đường cao tốc này đến năm 2030 theo hướng:

Thứ nhất: kết nối không gian kinh tế của Thủ đô Hà Nội với không gian phát triển kinh tế của các tỉnh dọc đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai theo định hướng Quy hoạch xây dựng vùng Hà Nội và Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ;

Thứ hai: Định hướng phát triển, kết nối các không gian đô thị, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị và khu chức năng ngoài đô thị dọc

đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đồng thời đảm bảo sự hoạt động an toàn và hiệu quả của đường cao tốc.

Thứ ba: Khai thác hiệu quả quỹ đất dọc đường

cao tốc Hà Nội – Lào Cai nhằm phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, đảm bảo phát triển bền vững;

Thứ tư: Làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng, triển khai các dự án đầu tư xây dựng và quản lý phát triển dọc đường

cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Đánh giá thực trạng xây dựng và các dự án đã và đang triển khai về sử dụng đất, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội dọc tuyến cao tốc.

Để sớm có báo cáo Thủ tướng, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khác liên quan đến sự phát triển vùng dọc tuyến, các đô thị và khu chức năng trong vùng. Đề xuất định hướng phát triển không gian vùng dọc theo tuyến cao tốc.

Xác định các tiềm năng và động lực phát triển vùng; dự báo về xu hướng, tốc độ đô thị hoá, tổ chức không gian, phân vùng chức năng, phân bố dân cư; xác định các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và xã hội có ý nghĩa vùng trên dọc tuyến. Không gian kinh tế và đô thị dọc tuyến phải gắn kết về kinh tế - xã hội với vùng Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và trục hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng.Xác định các khu vực bảo tồn, cấm hoặc hạn chế phát triển: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; các khu an ninh, quốc phòng; hạn chế phát triển tại các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Tổ chức các vùng chức năng về công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng, các khu vực bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên môi trường, di tích, danh thắng; rừng phòng hộ; sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh .v.v… Tổ chức hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn: xác định vị trí, quy mô, tính chất, chức năng và hướng phát triển (hiện có và dự kiến hình thành mới) của hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên dọc tuyến . Xác định mạng lưới các điểm xăng dầu, dịch vụ giao thông...

Về hệ thống giao thông: xác định khung giao thông kết nối với vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Xác định hệ thống giao thông nội vùng kết nối đô thị với các khu chức năng dọc tuyến; Xác định các đầu mối giao cắt giữa đường cao tốc với các đường giao thông khác; Đề xuất các yêu cầu chính về giao thông đô thị và nông thôn; giải pháp cho các tuyến đường đối ngoại đi qua đô thị và các khu vực dân cư nông thôn.

Về chuẩn bị kĩ thuật đất xây dựng:

Việc chọn đất xây dựng, san nền đất xây dựng phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của khu vực như địa hình tự nhiên, sông, hồ, vùng cây xanh, rừng đầu nguồn....Xác định các yêu cầu và giải pháp khai thác quĩ đất, đặc biệt cho các vùng có nguy cơ tai biến thiên nhiên.Các yêu cầu về cao độ xây dựng và giải pháp chính cho các vùng xây dựng tập trung, các đô thị lớn dọc tuyến về lưu vực, hướng thoát nước chính, giải pháp phòng chống thiên tai kết hợp với hệ thống thủy điện, thủy lợi của vùng.

Về cấp nước:

Phải đánh giá tài nguyên nước mặt và nước ngầm trên địa bàn, chất lượng nước và khả năng khai thác.Dự báo tổng hợp nhu cầu cấp nước trên toàn dọc tuyến, đặc biệt cho các vùng tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ dọc tuyến. Phân vùng cấp nước, đề xuất giải pháp tổng thể về nguồn nước và cân đối nguồn nước.Đề xuất giải pháp chính để bảo vệ các nguồn nước và các công trình đầu mối, đặc biệt là các hệ thống sông hồ.

Về cấp điện:

Phải dự báo tổng hợp nhu cầu cấp điện trên toàn vùng, các khu vực trong vùng, đặc biệt cho các vùng tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và dịch vụ; Xác định nguồn, giải pháp cấp điện (bao gồm các nguồn cung cấp năng lượng sạch khác) cho các đô thị và các khu chức năng trong vùng; Xác định vị trí và quy mô các trạm biến áp hiện có và dự kiến; hệ thống truyền tải và phân phối từ 220 KV trở lên trong vùng;Dự báo tổng hợp nhu cầu cấp điện trên toàn vùng dọc tuyến, đặc biệt cho các vùng tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ dọc tuyến.

Về thoát nước, vệ sinh môi trường:

Phải dự báo về nhu cầu xử lý nước thải và chất thải rắn, đề xuất các giải pháp lớn về hệ thống thu gom, xử lí nước thải và chất thải rắn, hệ thống nghĩa trang mang tính liên vùng, liên đô thị, khu công nghiệp, đặc biệt vấn đề thu gom và xử lý rác công nghiệp. Đánh giá môi trường chiến lược và đề xuất các giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Đánh giá hiện trạng về môi trường tự nhiên vùng: điều kiện khí tượng thủy văn, hệ sinh thái, địa chất; khai thác và sử dụng tài nguyên; biến đổi khí hậu; chất lượng nguồn nước, không khí, chất thải rắn, nước thải; các vấn đề dân cư, xã hội, văn hoá và di sản. Nhận dạng và dự báo các tác động tới môi trường do các hoạt động kinh tế-xã hội và do sự phát triển đô thị, công nghiệp gây ra. Phân tích, dự báo những tác động đến môi trường để làm cơ sở khoanh vùng các khu vực bảo vệ nguồn nước sạch, xử lý nước thải, bãi rác thải, nghĩa trang và vùng ảnh hưởng khói bụi, khí độc và tiếng ồn; vùng bảo vệ cảnh quan. Khoanh vùng các khu vực bảo vệ nguồn nước sạch, khu xử lý nước thải, bãi rác thải, nghĩa trang và vùng ảnh hưởng khói bụi, khí độc, tiếng ồn... Đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục tác động và rủi ro đối với dân cư; hệ sinh thái tự nhiên, nguồn nước, không khí khi triển khai thực hiện quy hoạch. Nêu các giải pháp, cơ chế quản lý nhằm khống chế, giảm thiểu và xử lý các tác động có hại đến môi trường. Đề xuất các chương trình, kế hoạch giám sát môi trường về kỹ thuật và quan trắc môi trường.