Kết nối tạo đối trọng

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp theo những diễn biến sôi động trong thời gian vừa qua về bình thường hóa trở lại quan hệ ngoại giao và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương giữa các nước ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh,...

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani gây bất ngờ lớn mới khi tuyên cáo các nước trong khu vực nhất trí về dự án vận tải trị giá 17 tỷ USD.

Những quốc gia trong khu vực tham gia dự án hợp tác đầu tư này là Iraq, các vương triều Ả rập ở vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và Jordani. Cốt lõi của dự án hợp tác này là đầu tư khoản tiền rất lớn nói trên vào xây dựng mạng lưới các tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc kết nối các nền kinh tế liên quan với nhau và tạo tuyến thông thương mới về vận tải hàng hóa và dịch vụ từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh sang châu Âu.

Dự án hợp tác đầu tư này ẩn chứa nhiều ý nghĩa rất quan trọng đối với triển vọng phát triển của cả khu vực lớn. Về chính trị, nó đưa lại biểu hiện và bằng chứng mới về chiều hướng chuyển biến tình hình chung đang được củng cố ở khu vực là hòa giải và khắc phục xung đột, hợp tác để cùng phát triển giữa các nước hoặc giữa các nhóm quốc gia trong khu vực vốn xung khắc và bất hòa, thậm chí còn cả đối địch và chiến tranh với nhau thời gian qua.

Về kinh tế và liên kết khu vực, dự án hợp tác đầu tư này là bước tiến rõ nét nhất của các nước nói trên để kết nối các nền kinh tế với nhau để cùng kết nối với bên ngoài và hội nhập quốc tế, cùng tận lợi từ những cơ hội và tiền đề cho phát triển thịnh vượng mà sự kết nối kinh tế này đưa lại cho các bên tham gia.

Về địa chính trị và địa chiến lược, dự án hợp tác đầu tư này giúp các bên tham gia tăng thế và lực trong hợp tác của từng bên với các đối tác bên ngoài, củng cố sự gắn kết nội bộ để không bị phân rẽ bởi các đối tác bên ngoài. Điều đặc biệt nữa là dự án giúp các nước tham gia có được đối trọng quan trọng đối với những dự án kết nối châu Âu và châu Á với khu vực này được EU, Nga và Trung Quốc đang thực hiện.