Chỉ 31,7% người khuyết tật trung bình có việc làm
Đây là thông tin được thông báo tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với người khuyết tật ở Việt Nam, do Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Tô Đức cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 7,06 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn; tỉ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình của toàn quốc.
Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp: 41,01% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ từ tốt nghiệp THCS trở lên chỉ chiếm 19,5%. 93,4% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; chỉ 6,5% người khuyết tật có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên.
Từ lâu, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm và chỉ đạo thực hiện tạo việc làm cho người khuyết tật hòa nhập xã hội. Điều này được thể hiện trong Bộ luật Lao động, Chỉ thị 39 của Ban Bí thư, Quyết định 1100 của Chính phủ. Đặc biệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2023 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030 là 300.000 người khuyết tật có nhu cầu đào tạo và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm…
Tuy nhiên, kết quả Điều tra quốc gia về lao động việc làm và Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam được Tổng cục Thống kê hoàn thành 6 vòng thu thập dữ liệu, từ tháng 7 đến 12/2022 với 117.864 hộ gia đình và 7.156 người khuyết tật đã cho thấy: Chỉ có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng có việc làm.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra, tỉ lệ người khuyết tật tự kinh doanh cao. Có tới 66,6% người khuyết tật trung bình làm nghề tự do, đối với người khuyết tật nặng là 52,6%. Khi có việc làm, người khuyết tật làm việc ít thời gian hơn so với những người không khuyết tật. Người khuyết tật trung bình làm việc 34,05 giờ mỗi tuần và người khuyết tật nặng là 31,22 giờ mỗi tuần.
Và khi người khuyết tật tìm kiếm được việc làm thì họ phải đối mặt với rào cản thái độ của người sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc. Những người khuyết tật nặng cho rằng có 29,51% người sử dụng lao động và 23,64% người lao động không sẵn lòng giúp đỡ họ khi làm việc.
Những người khuyết tật trẻ tuổi gặp phải các rào cản trong công việc cao hơn nhiều so với người khuyết tật lớn tuổi. Nhóm 15 – 29 tuổi cao gần gấp đôi so với dân số chung và cao hơn 3 lần so với nhóm tuổi 60 trở lên.
Một rào cản quan trọng nữa mà người khuyết tật gặp phải đó là sự hỗ trợ của gia đình. 87,2% người khuyết tật nữ và 79,8% người khuyết tật nam cho biết gia đình không ủng hộ nỗ lực làm việc của họ.
Rà soát nhu cầu làm việc, học nghề của người khuyết tật
Cùng với việc chỉ ra những rào cản mà người khuyết tật gặp phải khi tiếp cận thị trường lao động, kết quả điều tra cũng chỉ ra những nguyên nhân và giải pháp về chính sách việc làm cho người khuyết tật. Theo đó, để người khuyết tật và không khuyết tật bình đẳng về cơ hội việc làm, cần gỡ bỏ các rào cản về môi trường như hoàn thiện giáo dục và đào tạo hòa nhập.
Trợ cấp tiền lương là những khoản trợ cấp tạm thời được trả cho người sử dụng lao động tuyển chọn người lao động để bù đắp những chi phí phát sinh liên quan đến điều chỉnh nơi làm việc và bù đắp rủi ro có thể gặp phải khi thuê người khuyết tật làm việc.
Để xóa bỏ rào cản về việc người khuyết tật không nhận được sự hỗ trợ về gia đình thì cần thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm khẳng định quyền của người khuyết tật và thay đổi nhận thức về mong muốn và khả năng của người khuyết tật.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác và kết quả Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam, Điều tra về lao động việc làm Việt Nam, cơ quan thực hiện đã gợi ý một số giải pháp. Đó là thúc đẩy người sử dụng lao động kết nối, tạo việc làm cho những người khuyết tật tiềm năng.
Liên quan đến mua sắm công, Chính phủ có thể ban hành chính sách ưu tiên các nhà thầu Chính phủ thuê một tỉ lệ người khuyết tật nhất định, đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng tiếp cận và thậm chí cho người khuyết tật sở hữu.
Nhà nước có trợ cấp tiền lương tạm thời để bù đắp chi phí ăn, ở hoặc bổ sung đào tạo và khuyến khích tuyển dụng người khuyết tật.
Trước thực tế, mới chỉ có hơn 3 triệu người khuyết tật được xác nhận cấp giấy chứng nhận, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức cho biết, Bộ LĐTB&XH, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam sẽ tăng cường hướng dẫn cho các địa phương về thủ tục cấp giấy chứng nhận. Và để người khuyết tật trong độ tuổi lao động có việc làm, các địa phương cần hướng dẫn hội người khuyết tật rà soát nhu cầu làm việc, học nghề của người khuyết tật, để phối hợp với các sở, ngành có đánh giá, lập kế hoạch và trình lên cấp trên bố trí nguồn ngân sách triển khai. Hội người khuyết tật địa phương cũng nên nghĩ ra những giải pháp hỗ trợ người khuyết tật khởi sự kinh doanh, tạo sinh kế.
Về phía Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp khi xây dựng công trình công cộng, giao thông, các tuyến điểm đỗ xe có tiếp cận với người khuyết tật. Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tạo việc làm cho người khuyết tật, tới đây sẽ hình thành bộ chỉ số quốc gia giám sát về an sinh xã hội để có cơ sở đánh giá kết quả đầu ra về an sinh xã hội…