Kết nối trái tim mùa đại dịch

Thanh Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông điệp của Liên đoàn Tim mạch thế giới (World Heart Federation - WHF) nhân Ngày Tim mạch thế giới năm nay (29/9/2021). Thông điệp này diễn ra khi tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ba trụ cột chính
Hiện bệnh tim mạch vẫn là “sát thủ số một”, hàng năm khiến 18,6 triệu người chết, với các nguyên nhân đi kèm như: Hút thuốc lá, tiểu đường, huyết áp cao và béo phì, ô nhiễm không khí… Trong thời dịch bệnh Covid-19, hiện có 520 triệu người bị bệnh tim mạch có nguy cơ cao tử vong vì SARS-CoV-2. Họ sợ gặp gỡ bạn bè và chính gia đình của họ vì mối nguy cơ lây nhiễm virus. Khai thác sức mạnh kỹ thuật số để nâng cao nhận thức, phòng ngừa và quản lý bệnh tim mạch trên toàn cầu là mục tiêu của WHF cho Ngày Trái tim thế giới năm 2021. WHF nêu 3 trụ cột chính để phòng ngừa, bảo vệ tim mạch mùa đại dịch: Công bằng, phòng ngừa và cộng đồng.
 Ca mổ tim trực tuyến tại BV Đa khoa Phú Thọ. Ảnh: Hồng Hải
Về trụ cột công bằng: Hiện có khoảng một nửa dân số thế giới không được tiếp cận với mạng internet. Đây chính là khó khăn của nhiều người trong tiếp cận điều trị bệnh tim mạch, một bệnh càng có nguy cơ cao tử vong trong dịch Covid-19.

Công nghệ và dữ liệu sẽ giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách và khắc phục điều đó nhanh chóng. Đó là việc cho phép và trao quyền cho tất cả mọi người, ở mọi nơi - già và trẻ, đàn ông, phụ nữ và trẻ em, bệnh nhân, nhân viên y tế cộng đồng, bác sĩ sử dụng các công cụ kỹ thuật số để dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc tốt hơn các bệnh lý liên quan đến tim. Kỹ thuật số sẽ giúp lấy lại phần nào công bằng trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch.

Về phòng ngừa: Chăm sóc trái tim của bạn bằng cách ăn uống lành mạnh, nói không với thuốc lá và tập thể dục nhiều. Các công cụ kỹ thuật số, như ứng dụng điện thoại và thiết bị đeo được, thực sự có thể giúp bạn có động lực và đi đúng hướng. Nếu bạn có một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tim, suy tim, tiểu đường, huyết áp cao hoặc béo phì, đừng để Covid-19 ngăn cản bạn đi khám định kỳ. Và đừng bao giờ tránh gọi dịch vụ khẩn cấp nếu bạn cần, bởi điều đó giúp bạn an toàn và các chuyên gia y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

Về tính cộng đồng: Tính riêng năm 2020, có khoảng 520 triệu người bị bệnh tim mạch có nguy cơ cao tử vong vì Covid-19. Bởi, họ thiếu liên lạc với người thân, bỏ lỡ các cuộc khám định kỳ và bị hạn chế tập thể dục… Mạng kỹ thuật số có sức mạnh kết nối bệnh nhân với gia đình, bạn bè, bệnh nhân khác, bác sĩ và người chăm sóc. Vì vậy hãy sử dụng công nghệ để vượt qua sự cô lập và khoảng cách.

10 lời khuyên bảo vệ trái tim của WHF

Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế ăn các chất béo bão hòa; không nên ăn mặn.

2. Tập thể dục thường xuyên: Mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút.

3. Không hút thuốc lá, vì đây là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

4. Duy trì cân nặng hợp lý, giúp giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.

5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).

6. Hạn chế uống rượu, bia, vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng.

7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở.

8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.

9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.

10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức; hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần