Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND TP từ ngày 5-9/8/2019

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, dịch vụ đưa đón học sinh; Triển khai các giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường tại các khu xử lý chất thải tập trung của Thành phố... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 5-9/8/2019.

Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 5-9/8/2019.

Từ tháng 8/2019, phát 12.000 phiếu khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công trên địa bàn Thành phố

Với mục tiêu triển khai các biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ công, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị trên địa bàn, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 7/8/2019 về việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công: Giáo dục công, Y tế công, Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019, bắt đầu từ tháng 8/2019, hoàn thành tổng hợp và báo cáo kết quả trước ngày 30/11/2019. Phạm vi khảo sát cụ thể như sau:
 Phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội

Về dịch vụ giáo dục công, khảo sát tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc 12 quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Thanh Trì, Hoài Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Gia Lâm.

Dịch vụ y tế công: khảo sát tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của Thành phố gồm: tuyến y tế Thành phố (BVĐK Xanh Pôn, BVĐK Hà Đông, BVĐK Đức Giang, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội); tuyến y tế cơ sở thuộc 10 huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh.

Dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường: khảo sát người dân trên địa bàn Thành phố tại 12 quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Thanh Trì, Hoài Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Gia Lâm.

Số lượng phiếu khảo sát năm 2019 là 12.000 phiếu (3.000 phiếu/dịch vụ công; 250 phiếu/quận, huyện, thị xã). Trên cơ sở mẫu phiếu, cỡ mẫu và địa điểm/địa bàn đã được xác định, các điều tra viên sẽ tiến hành điều tra, khảo sát trực tiếp người dân bằng phiếu hỏi thông qua trải nghiệm, sử dụng 4 dịch vụ công của Thành phố. UBND Thành phố giao Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì triển khai Kế hoạch điều tra, khảo sát theo yêu cầu, tiến độ đề ra; tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra xã hội học; xây dựng báo cáo kết quả khảo sát và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công ích, công sự nghiệp năm 2019, trình UBND Thành phố.

Từ tháng 8/2019, phát 16.300 phiếu khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố năm 2019

Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 27/5/2019 về việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố năm 2019, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, ngày 6/8/2019, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND về việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội năm 2019 (SIPAS), bắt đầu từ tháng 8/2019 và hoàn thành tổng hợp, báo cáo trước ngày 31/12/2019. Theo đó, đối tượng khảo sát là người dân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp giao dịch và nhận kết quả giải quyết TTHC từ ngày 01/01/2019 đến thời điểm khảo sát; không khảo sát các giao dịch chưa nhận kết quả, các giao dịch thực hiện nhận/trả qua dịch vụ bưu chính công ích; khảo sát đối với 20 sở, cơ quan tương đương sở và 30 quận, huyện, thị xã (16.300 phiếu). UBND Thành phố giao Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì triển khai Kế hoạch điều tra, khảo sát theo yêu cầu, tiến độ đề ra; tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra xã hội học; xây dựng báo cáo kết quả khảo sát và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đề xuất giải pháp thực hiện những năm tiếp theo, trình UBND Thành phố.

6 tháng đầu năm 2019, toàn Thành phố đã thực hiện 8 cuộc thanh tra, 245 cuộc kiểm tra công tác tổ chức cán bộ; kiểm tra, xác minh đối với 29 vụ việc do phương tiện đại chúng và công dân phản ảnh

Báo cáo Bộ Nội vụ tại văn bản số 258/BC-UBND ngày 8/8/2019 về kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ; tiếp nhận, xác minh các thông tin được phương tiện thông tin đại chúng và công dân phản ánh, 6 tháng đầu năm 2019, toàn Thành phố đã thực hiện 8 cuộc thanh tra, 245 cuộc kiểm tra công tác tổ chức cán bộ hoặc có nội dung liên quan công tác tổ chức cán bộ. Qua hoạt động trên, các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND Thành phố về công tác cán bộ, ban hành kế hoạch kiểm tra và thành lập các đoàn kiểm tra, chủ động kiểm tra, rà soát, kiện toàn công tác cán bộ; chấp hành và phân công nhiệm vụ cho cán bộ, CCVC, người lao động phù hợp với năng lực. Kết quả kiểm tra công vụ cho thấy việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức, việc tiếp công dân được duy trì ổn định, không có phản ảnh kiến nghị về thái độ ứng xử không phù hợp của cán bộ, CCVC, người lao động.

6 tháng đầu năm, toàn Thành phố tiếp nhận và kiểm tra, xác minh đối với 29 vụ việc do phương tiện đại chúng (2 vụ việc) và do công dân phản ảnh (27 vụ việc). Riêng vụ việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ trả lời đơn thư phản ảnh về nội dung trên; chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với giáo viên hiện đang hợp đồng lao động theo đúng quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ, Quyết định số 3455/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND Thành phố. Sau khi tuyển dụng đặc biệt (nếu có) còn chỉ tiêu, Hội đồng tuyển dụng các đơn vị lựa chọn hình thức tuyển dụng: thi tuyển hoặc xét tuyển phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời tuyển được những người có kinh nghiệm giảng dạy vào vị trí cần tuyển dụng.

Triển khai các giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường tại các khu xử lý chất thải tập trung của Thành phố

Triển khai các giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung của Thành phố tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, tại văn bản số 3390/UBND-ĐT ngày 8/8/2019, UBND Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì với các đơn vị và UBND các huyện, thị xã: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bàn giao, quản lý diện tích vùng ảnh hưởng môi trường sau khi thực hiện xong GPMB để sử dụng có hiệu quả, chống tái lấn chiếm, trồng cây xanh trong vùng ảnh hưởng môi trường, có giải pháp công nghệ mới hạn chế ô nhiễm, chuẩn bị vị trí chứa rác tạm thời để ứng phó trường hợp khẩn cấp… báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/8/2019. Trước mắt, chấp thuận đề xuất của Sở về việc phun khử mùi, che phủ vật liệu PosiShell tại các ô chôn lấp rác thải để hạn chế ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước.

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây tập trung hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB diện tích thuộc phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường tại các khu xử lý để bàn giao, quản lý sử dụng đúng quy định; chủ động nắm bắt tình hình, ý kiến của người dân xung quanh các khu xử lý để kịp thời giải quyết hạn chế thấp nhất việc người dân cản trở vận chuyển rác vào khu xử lý, đảm bảo an ninh trật tự an toàn vận hành khu xử lý.

Việc đẩy nhanh tiến độ ĐTXD các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, thu hồi nhiệt để phát điện đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư là giải pháp quan trọng nhất để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, nước và giảm tỷ lệ rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Giao Sở Xây dựng chủ trì với các đơn vị tiếp tục giải quyết các vướng mắc khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai dự án đầu tư, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng theo đúng cam kết với UBND Thành phố. Sở KH&ĐT chủ trì kiểm tra, đề xuất UBND Thành phố xem xét thu hồi các dự án không triển khai mà không có lý do chính đáng hoặc không có năng lực về tài chính, công nghệ.

Khẩn trương đề xuất lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn Thành phố

Tại văn bản số 3389/UBND-ĐT, ngày 8/8/2019, UBND Thành phố phê bình UBND các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên chưa quyết liệt thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc triển khai kế hoạch rà soát, phân loại, đề xuất lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn Thành phố. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện: Sóc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Mê Linh, Mỹ Đức khẩn trương đôn đốc, áp dụng đồng bộ các biện pháp chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo lộ trình đã được UBND Thành phố chấp thuận, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/10/2019.

Giao Sở Xây dựng chủ trì với các đơn vị và UBND các huyện: Sóc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Mê Linh, Mỹ Đức, Đan Phượng tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra tình hình chấm dứt hoạt động của từng cơ sở; xử lý nghiêm, dứt điểm các cơ sở sản xuất cố tình vi phạm, tái hoạt động sản xuất sau khi có chỉ đạo dừng hoạt động các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/8/2019.

Phấn đấu ít nhất 85% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn trình tự đánh giá và công nhận xã phường thị trấn phù hợp với trẻ em; căn cứ tình hình triển khai và kết quả thực hiện xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em thời gian qua, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 6/8/2019 chỉ đạo trên địa bàn Thành phố, bảo đảm 100% quận, huyện, thị xã thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, phấn đấu ít nhất 85% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; yêu cầu các cấp, ngành thuộc Thành phố tập trung thực hiện hiệu quả các tiêu chí về xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, bao gồm: Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em; Trẻ em được khai sinh đúng quy định; Trẻ em bị xâm hại; Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy; Trẻ em bị tai nạn, thương tích; Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin huộc chương trình tiêm chủng mở rộng; Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi; Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ; Trẻ em đến trường, lớp mầm non; Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em; Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em; Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia và nguồn lực hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong công tác chăm sóc và bảo vệ, giáo dục trẻ em. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Luật trẻ em, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Thành phố về chăm sóc và bảo vệ, giáo dục trẻ em và các Quyền của trẻ em.

Một số giải pháp cụ thể như sau: (1) tuyên truyền đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em; các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 01 tuổi, phòng chống tai nạn thương tích nhất là phòng chống đuối nước cho trẻ em; đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe cho các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. (2) Đẩy mạnh truyền thông cho cha mẹ trẻ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh theo đúng quy định. (3) Hướng dẫn các nhà trường huy động trẻ em đến trường, lớp mầm non theo đúng độ tuổi; thực hiện miễn, giảm hoặc hỗ trợ học phí cho trẻ em theo quy định. (4) Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp xâm hại và bạo lực với trẻ em. (5) Quản lý, sử dụng các điểm vui chơi tại cộng đồng, tổ chức hiệu quả các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em.

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, dịch vụ đưa đón học sinh

Qua sự việc đáng tiếc xảy ra làm từ vong học sinh 6 tuổi tại trường tiểu học Gateway, quận Cầu Giấy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3393/UBND-KGVX ngày 8/8/2019 chỉ đạo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối trong trường học. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn trường học. Đối với các trường có tổ chức đưa đón trẻ, học sinh cần chỉ đạo về nguyên tắc quy trình đón, nhận trẻ, học sinh từ gia đình (điểm đón) lúc đến trường và trong thời gian học tập tại trường cho đến khi bàn giao cho gia đình đảm bảo chặt chẽ, rõ trách nhiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường có dịch vụ đưa đón trẻ, học sinh rà soát, xây dựng quy trình, quy định rõ điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng thành viên tham gia nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, học sinh trong suốt quá trình từ khi tiếp nhận, đưa đến trường, đón về và bàn giao cho gia đình.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là những vi phạm trong chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi

Căn cứ báo cáo thống kê dân số, tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố Hà Nội đang có xu hướng giảm nhưng vẫn cao hơn toàn quốc và trên mức báo động: 113 trẻ trai/100 trẻ gái (2018) (cả nước 112,2/100); tỷ số giới tính khi sinh tại các quận nội thành đang có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm 2019 (Đống Đa: 115,7; Tây Hồ: 121,8; Hà Đông: 116,5).

Nhằm ngăn ngừa, khống chế có hiệu quả tình trạng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3376/UBND-KGVX ngày 7/8/2019 chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trên địa bàn Thành phố, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Giao Sở Y tế chỉ đạo hướng dẫn cán bộ dân số các cấp tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về kiểm soát MCBGTKS hàng năm; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể lồng ghép các nội dung về kiểm soát MCBGTKS trong các hoạt động của tổ chức, đơn vị. (2) Giao Sở LĐTB&XH khẩn trương hoàn thành dự thảo văn bản đề xuất chính sách của Thành phố quy định về hỗ trợ người cao tuổi thực hiện chính sách dân số; hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách ưu tiên cho các đối tượng đúng quy định. (3) Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế triển khai tốt các hoạt động lồng ghép giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, giới và giới tính, giới và bình đẳng giới trong nhà trường. (4) Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là những vi phạm trong chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi. (4) Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông tuyên truyền về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các cơ sở in ấn, phát hành các văn hóa phẩm vi phạm quy định về lựa chọn giới tính khi sinh.

(5) Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố chủ động triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, giới và giới tính, giới và bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh cho các hội viên. (6) UBND các quận, huyện, thị xã phân công lãnh đạo phụ trách từng địa bàn cụ thể, gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, cá nhân của từng thành viên BCĐ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình phù hợp với đặc thù địa phương. Các đơn vị sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện, nâng cao bình đẳng giới; tăng cường ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo UBND Thành phố.

Bắt đầu từ tuần đầu tháng 8/2019 và duy trì thường xuyên và thứ Bảy hàng tuần, tổ chức ra quân thực hiện đồng bộ chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố

Đến ngày 30/7/2019, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.689 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2018 và đặc biệt gia tăng nhanh trong các tuần gần đây do điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền bệnh. Dự báo trong thời gian tới số mắc sẽ tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Tiếp tục triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống dịch, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3347/UBND-KGVX ngày 5/8/2019 chỉ đạo như sau:

(1) Giao UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết, bắt đầu ngay tuần đầu tháng 8/2019 và duy trì thường xuyên và thứ Bảy hàng tuần. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh một cách triệt để, trong các chiến dịch cần có sự tham gia của lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn và công an để đảm bảo 100% hộ gia đình được xử lý.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ngay các Đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và Tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết (như năm 2017); Tổ chức hoạt động một cách có hiệu quả, không hình thức và phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

- Ngoài việc triển khai công tác phòng chống dịch tại khu vực dân cư cần chú trọng đến các khu vực công cộng như tại các cơ quan, công trường, xí nghiệp, nghĩa trang, trường học…; Phải yêu cầu các đơn vị đóng trên địa bàn, đặc biệt là các trường học, công trường xây dựng phối hợp và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chủ động phòng chống dịch bệnh của các đơn vị này.

- Giao Phòng Văn hóa và Thông tin tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người tự áp dụng các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết (ngủ màn, diệt muỗi, diệt bọ gậy) và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết. Tại các khu vực đã ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết cần tổ chức họp tổ dân cư để thông báo tình hình dịch và hướng dẫn cho người dân biết cách chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Kiên quyết không để dịch kéo dài, lan rộng.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương; báo cáo tình hình, diễn biến dịch về Sở Y tế (cơ quan thường trực) để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

- Bố trí đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch (kinh phí từ nguồn phòng chống dịch, kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn lực khác…).

(2) Giao Sở Y tế

- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch; xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng.

- Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

- Thực hiện tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân hạn chế tối đa tử vong do sốt xuất huyết.

- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch; thông tin diễn biến dịch, các biện pháp phòng chống dịch cho các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân.

- Thường xuyên báo cáo, đề xuất kịp thời các giải pháp, phương án với UBND Thành phố để chỉ đạo xử lý tình hình dịch bệnh bất thường trên địa bàn.

(3) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong trường học, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết; Nhà trường phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương phát phiếu điều tra xử lý bọ gậy tại hộ gia đình cho các học sinh để triển khai thực hiện tại gia đình; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời; thường xuyên tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường tại các trường học.

(4) Giao Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án về xây dựng trên địa bàn Thành phố đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh tại các công trường lao động và nơi ăn ở sinh hoạt của công nhân. Yêu cầu công nhân phải ngủ màn tránh muỗi đốt và phải đậy kín các dụng cụ chứa nước, bể chứa nước, không để cho muỗi có nơi sinh sản phát triển lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

(5) Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo, đài của Thành phố chủ động tuyên truyền cách phát hiện và các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh và chủ động phối hợp với ngành y tế phòng, chống sốt xuất huyết cho gia đình, cộng đồng. Đặc biệt khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

(6) Giao Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế kịp thời tham mưu UBND Thành phố bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống dịch.

(7) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các đoàn thể Thành phố tích cực và chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến và vận động truyền tải thông tin về công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đến với người dân.