Theo đó, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Qyết định số 760/QĐ-TTg, ngày 2/8/2024, với tổng chiều dài 51 km. Dự án này có điểm đầu kết nối đường Vành đai 3 (tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) và điểm cuối giao với Quốc lộ 22 (thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh)
Trong đó, trong phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 làn xe, với bề rộng nền đường 25,5m. Tốc độ thiết kế 120 km/h.
Đến giai đoạn hoàn chỉnh theo quy hoạch sẽ có quy mô 6 làn xe với bề rộng nền đường 33,0m.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2027.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, dự toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.617 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị: khoảng 9.273 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác (đã bao gồm chi phí chuẩn bị dự án khoảng 45 tỷ đồng): khoảng 695 tỷ đồng; Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật (đã bao gồm chi phí dự phòng): khoảng 6.774 tỷ đồng; Chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị và trượt giá: khoảng 1.594 tỷ đồng; Lãi vay trong quá trình xây dựng: khoảng 1.281 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 1, Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài được chia làm 4 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) với tổng mức đầu tư khoảng 10.421 tỷ đồng.
Đối với dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 2.422 tỷ đồng sẽ đầu tư theo phương thức đầu tư công.
Đến dự án thành phần 3: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua TP Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư khoảng 5.270 tỷ đồng.
Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh với tổng mức đầu tư khoảng 1.504 tỷ đồng cũng sẽ được đầu tư theo phương thức đầu tư công.
Để tham gia dự án, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỷ đồng, chiếm 50,69% tổng mức đầu tư dự án.
Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.491 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án theo quy định của Luật PPP. Phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án khoảng 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư dự án.
Dự kiến mức giá khởi điểm sử dụng dịch vụ đường theo chặng khoảng 2.100 VND/xe nhóm 1/km. Mức giá dịch vụ giữa các nhóm xe còn lại được xác định theo hệ số tương quan giữa các nhóm xe theo hình thức thu phí theo chặng được quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ Giao thông và vận tải (hệ số xe nhóm 2 là 1,4 lần; xe nhóm 3 là 2,1 lần; xe nhóm 4 là 3,8 lần và xe nhóm 5 là 5,7 lần).
Mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cho dự án sơ bộ khoảng 11,77%/năm. Lãi suất vốn vay dự kiến áp dụng cho dự án là 10,7%/năm trong thời hạn thu phí dự án dự kiến 16 năm 9 tháng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, nguyên tắc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm đàm phán cạnh tranh trong trường hợp có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án.
Trường hợp dự án có nhiều hơn 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện Dự án thì thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển trong trường hợp có từ 06 nhà đầu tư trở lên quan tâm, trong đó có ít nhất 01 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài đăng ký quan tâm.
Cùng với đó, nếu đấu thầu rộng rãi trong nước sẽ tiến hành sơ tuyển trong trường hợp có từ 06 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật Việt Nam trở lên đăng ký quan tâm;
Đấu thầu rộng rãi quốc tế trong trường hợp có dưới 06 nhà đầu tư quan tâm. Trong đó có ít nhất 01 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài đăng ký quan tâm.
Đấu thầu rộng rãi trong nước trong trường hợp có dưới 06 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật Việt Nam đăng ký quan tâm.