Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khá giả nhờ sản xuất giống cây lâm nghiệp

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn đang phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều lao động địa phương.

Hơn 5 năm trước, gia đình bà Trịnh Thị Sinh ở thôn 7 (xã Hồng Kỳ) bắt tay vào sản xuất giống cây lâm nghiệp. Trên diện tích khoảng 1ha thuê thầu của chính quyền xã và người dân, bà Sinh đã cải tạo đất, mua cây giống về canh tác, chủ yếu là cây keo, bạch đàn, mỡ, dáng hương, xà cừ… Hiện, trang trại của gia đình bà Sinh đang cung ứng cho thị trường hơn 1 triệu cây giống lâm nghiệp mỗi năm. Không chỉ đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, trang trại còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho khoảng 10 lao động, với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
 Bà Trịnh Thị Sinh bên vườn ươm giống cây lâm nghiệp của gia đình. 
Cùng với hộ bà Sinh, khoảng 50 gia đình khác thuộc các thôn 6, thôn 7 của xã Hồng Kỳ cũng đang có thu nhập ổn định nhờ mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp. Bình quân mỗi năm, bà con nông dân nơi đây cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước hàng chục triệu cây giống lâm nghiệp. Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ Trần Ngọc Hà cho biết, điều đáng mừng là hiện nay, đầu ra của cây giống lâm nghiệp tương đối ổn định. Bởi vậy số hộ dân tham gia đầu tư sản xuất cây giống lâm nghiệp cũng tăng dần qua các năm.

Để nâng cao hiệu quả của mô hình, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ UBND xã Hồng Kỳ thành lập Tổ hợp tác sản xuất cây lâm nghiệp. Hiện, tổ có 12 thành viên, đã và đang trở thành kênh trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất cũng như phối hợp liên kết tiêu thụ sản phẩm cây giống khá hiệu quả.

Đánh giá về tiềm năng của nghề sản xuất cây giống lâm nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Quốc Ân cho biết, diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn xã Hồng Kỳ vẫn còn khá nhiều. Chính vì vậy, Hội đang phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ tích cực trồng cây lâm nghiệp để phủ xanh diện tích này. Theo ông Ân, mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp không chỉ góp phần cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan mà còn mang lại thu nhập tốt cho người nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ nghiên cứu đề xuất các cấp thành lập hợp tác xã nhằm tạo điều kiện phát triển hơn nữa cho lĩnh vực sản xuất giống cây lâm nghiệp.