Chính quyền nước này hôm 26/4 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong khi lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót.
Ban đầu, trận động đất khủng khiếp này được cho là có cường độ 7,5 độ Richter, nhưng sau đó được nâng lên 7,9 độ Richter. Đây được coi là trận động đất mạnh nhất tại Nepal trong 81 năm qua. Trước đó, vào năm 1934, nước này đã trải qua trận động đất lịch sử với cường độ 8,0 độ Richter và phá hủy hoàn toàn các TP như Kathmandu, Bhaktapur và Patan.
Các rung chấn của trận động đất hôm 25/4 kéo dài từ 30 giây tới 2 phút và có thể cảm nhận được ở dọc biên giới với Ấn Độ, trong đó có cả Thủ đô New Delhi; thậm chí ở Malaysia và Bangladesh. Hiện, chính quyền Trung Quốc đã xác nhận gần 20 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, hàng chục ngôi nhà bị phá hủy tại Tây Tạng do ảnh hưởng của trận động đất này.
“Rất gần với thảm họa”
Đó là từ mà các tình nguyện viên quốc tế dùng để mô tả tình trạng tại Nepal, bởi vùng đất tâm linh nổi tiếng này gần như không còn gì ngoài những đống đổ nát và những con người đang chống đỡ với sự sợ hãi, đau đớn, mệt mỏi và đói khát trên đường phố. Theo đại diện Liên Hợp quốc, khoảng 6,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại Nepal, trong đó phần lớn đã bị mất nhà cửa. Một số người dân vừa cố gắng tìm kiếm các vật dụng trong đống đổ nát để nấu ăn, vừa run rẩy vì lo lắng những bức tường còn trơ lại của những ngôi nhà xung quanh có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.
Mọi người đều cố gắng để chia sẻ với đồng bào chút đồ ăn, thức uống cuối cùng nhưng nguy cơ cạn kiệt thực phẩm dự trữ và khan hiếm nước sạch đang đến rất gần. Khi đó không biết điều gì sẽ xảy ra bởi hệ thống cơ sở vật chất và chăm sóc y tế của Nepal còn rất nghèo nàn và khủng hoảng nhân đạo là điều rất khó tránh khỏi.
Nhiều chuyên gia lo ngại về việc người dân Nepal sẽ không được hưởng các hoạt động chăm sóc y tế và hỗ trợ tinh thần cần thiết. Các bệnh viện tại đây đã trong tình trạng quá tải nghiêm trọng và không có đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế cần thiết để hỗ trợ người bị nạn, người già, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Hỗn loạn tại Everest
Tại chân núi Everest, tình trạng còn bi đát hơn. Trận động đất đã gây ra một vụ lở tuyết trên đỉnh núi khiến ít nhất 17 nhà leo núi thiệt mạng, 67 người khác bị thương. Mohan Krishna Sapkota, một quan chức du lịch của Nepal cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn tại đây”.
Theo quan chức này, “rất khó để đánh giá số người thiệt mạng và mức độ thiệt hại” do nhiều lều trại đã bị vùi lấp bởi tuyết lở và đất đá, và những người leo núi phân tán xung quanh trại xuất phát, một số thậm chí đã leo lên cao hơn khiến các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc liên lạc với các nhóm. Sau thảm kịch, những người leo núi và khách du lịch muốn nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm đã gây ra tình trạng hỗn loạn chưa từng có.
Tuy nhiên, có thể phải mất vài ngày, những người leo núi mới có thể tới được địa điểm an toàn do đường sá bị chia cắt và phương tiện di chuyển duy nhất là máy bay trực thăng.
Sự hỗn loạn tại Everest và nhiều di sản văn hóa nổi tiếng của Nepal bị phá hủy nghiêm trọng sau trận động đất đã đe dọa hoạt động của ngành du lịch – vốn là nguồn thu chủ yếu của quốc gia này.
Cộng đồng quốc tế chung tay
72 giờ sau thảm họa là thời gian vàng để tìm kiếm những người mất tích. Vì thế, để có thêm cơ hội sống sót cho càng nhiều người càng tốt, lực lượng cứu hộ Nepal và của một số quốc gia, các tổ chức quốc tế đã phải chạy đua với thời gian.
Làm việc không ngơi nghỉ trong điều kiện không đảm bảo an toàn, không có đủ các vật dụng cần thiết cũng như thiếu thốn về nước uống và thực phẩm, nhiều tình nguyện viên đã kiệt sức. Tuy nhiên, họ đã chứng minh cho mọi người thấy sức mạnh về tinh thần có thể chiến thắng tất cả khi sẵn sàng đào bới đất đá bằng tay không, dùng cả thân mình để chặn một bức tường sắp đổ sụp để đưa được người bị nạn thoát ra an toàn.
Điều đáng lo ngại là trong vòng 24 giờ xảy ra thảm họa, các nhà khoa học đã ghi nhận sự xuất hiện của hơn 30 dư chấn khác, trong đó có những dư chấn mạnh tới gần 6 độ Richter. Trong bối cảnh đa số các ngôi nhà tại khu vực miền núi của Nepal được xây từ loại vật liệu nhẹ như bùn trộn rơm, nhiều chuyên gia lo ngại thiệt hại về người và tài sản sẽ tăng lên rất nhiều. Cơ quan khí tượng cũng dự báo, thời tiết trong 2 ngày tới không tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn.
Ngay sau khi nhận được thông tin về trận động đất, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng có những bước đi phù hợp để hỗ trợ Nepal vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngoài cử các đội tìm kiếm, các y bác sĩ, chuyên gia xử lý môi trường, chuyên gia hỗ trợ tâm lý và gửi các nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế…, một số quốc gia đã cam kết ủng hộ Nepal hàng triệu USD.
Sau khi nhận được thông tin về việc có khoảng 300.000 khách du lịch nước ngoài đang có mặt tại Nepal để du lịch và leo núi khi trận động đất xảy ra, đại diện ngoại giao của một số quốc gia tại Nepal đã tìm cách xác nhận tình trạng của công dân nước mình tại đây.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có điện yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ, Bangladesh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal, Ấn Độ, Bangladesh tìm hiểu có hay không công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ động đất.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bangladesh, tính đến chiều tối 26/4, chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong, và đang tiếp tục khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và Nepal theo dõi sát, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến công dân Việt Nam.
Trong lịch sử, Nepal đã nhiều lần phải chịu nỗi đau, thiệt hại do động đất gây ra và lần nào người dân quốc gia này cũng kiên cường vươn lên, xây dựng lại từ đống đổ nát. Ngoài lời cầu nguyện cho những người đã ra đi, những người đang còn điều trị trong bệnh viện, cả thế giới đang nỗ lực hỗ trợ Nepal vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay bằng vật chất, bằng sức người và phương tiện. Hy vọng rằng, người dân Nepal với truyền thống kiên cường của mình sẽ một lần nữa vượt qua đau thương hiện nay để ổn định và tái thiết đất nước.
Cứu hộ nạn nhân sau trận động đất ở Kathmandu, Nepal. Ảnh: REUTERS
|
Được tin trận động đất lớn tại Nepal gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ngày 26/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới ngài Sushil Koirala - Thủ tướng nước CHDC Liên bang Nepal. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Mahendra Bahadur Pandey. Trong các bức điện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ cảm thông sâu sắc trước những tổn thất to lớn của Nepal; mong nhân dân Nepal sẽ vượt qua đau thương, mất mát và sớm ổn định cuộc sống. |