Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khắc phục hạn chế trong đấu giá tài sản bằng Luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật đấu giá tài sản.

Lý giải về sự cần thiết phải ban hành Luật, Bộ Tư pháp cho biết: Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 về bán đấu giá tài sản của Chính phủ sau 4 năm thi hành đã đạt được những kết quả đáng kể. Tính đến ngày 31/12/2014 cả nước có 619 đấu giá viên đang làm việc tại các tổ chức đấu giá trong tổng số 1.259 người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; việc xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản bước đầu có kết quả với sự ra đời 190 doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Các loại tài sản bắt buộc đấu giá được mở rộng hơn, chất lượng hoạt động đấu giá ngày càng được nâng cao. Số hợp đồng đấu giá thành, giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, thu ngân sách Nhà nước thông qua hoạt động đấu giá đạt hiệu quả cao. 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Theo số liệu thống kê thì từ tháng 7/2010 đến tháng 12/2014, các tổ chức đấu giá tài sản đã ký 47.449 hợp đồng đấu giá với giá khởi điểm hơn 62.010 tỷ đồng, giá trị tài sản bán được hơn 67.273 tỷ đồng (vượt hơn 5.262 tỷ đồng so với giá khởi điểm). Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá, nhất là đấu giá tài sản nhà nước. Đặc biệt, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá đối với tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm còn gặp rất nhiều khó khăn...

Dự án Luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Không áp dụng đối với việc đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài và chứng khoán.

Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với phạm vi điều chỉnh của Luật này, không chồng chéo, trùng lắp với phạm vi điều chỉnh tại các luật có liên quan về đấu giá tài sản và nhiều ý kiến tán thành không quy định việc đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài và chứng khoán là phù hợp vì cho rằng việc đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật nước sở tại và việc quản lý tài sản nhà nước phải theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; đối với việc đấu giá chứng khoán thì tuân thủ theo các quy định tại Luật chứng khoán. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, thực tế thời gian vừa qua việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại diễn ra chậm và cho rằng đây là nguồn lực quan trọng, cần sớm phát huy tạo hiệu quả cho nền kinh tế, trong đó có nguyên nhân lớn do vướng mắc từ các văn bản pháp luật.

Hiện nay việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật mà tính ổn định chưa cao, vẫn chưa mang tính thị trường. Do đó, đề nghị nghiên cứu, thiết kế một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Quanh vấn đề các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá, Ủy ban thẩm tra cho rằng với phần lớn tài sản bán thông qua đấu giá trên thực tế hiện nay đều là tài sản theo quy định pháp luật bắt buộc phải bán thông qua đấu giá như quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất; quyền khai thác khoáng sản; quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; tài sản giao dịch bảo đảm; tài sản thi hành án; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu... Do đó, việc quy định các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục của dự án Luật đấu giá tài sản là rất cần thiết.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự án Luật các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo hướng bảo đảm việc triển khai trên thực tế được thống nhất, thuận lợi nhưng cũng cần tạo sự linh hoạt khi có sự thay đổi, bổ sung các loại tài sản này.

Với hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết: Đa số ý kiến đề nghị quy định cụ thể và đầy đủ các hình thức đấu giá, phương thức đấu giá tại dự án Luật đấu giá tài sản. Dự án Luật quy định đấu giá bằng hình thức, phương thức khác theo quy định của pháp luật là chung chung, khó thực hiện. Một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức đấu giá điện tử bảo đảm công khai, minh bạch tránh được tình trạng móc nối thao túng, thông đồng, dìm giá là hiện tượng đang xảy ra tại nhiều cuộc đấu giá hiện nay. 

Ủy ban Kinh tế cho rằng các ý kiến trên đều rất xác đáng và khả thi, do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định tại dự án Luật nhằm bảo đảm hoạt động đấu giá tài sản thực sự khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, hạn chế tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định khác tại dự án Luật, tránh tình trạng quy định chung chung như  “theo quy định của pháp luật”, “hình thức, phương thức khác” gây khó khăn trong triển khai trên thực tế.

Cũng trong sáng 4/11, Quốc hội đã thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định để đảm báo tính chính xác và tin cậy của hệ thống thông tin thống kê Nhà nước.