Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khách đi nước ngoài sợ mất số di động trả trước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi tới khai báo thông tin, khách hàng phải điền họ tên, chứng minh thư, kê khai 5 cuộc gọi đi, 5 cuộc gọi đến, lần nạp thẻ gần nhất... theo đúng quy định.

KTĐT - Khi tới khai báo thông tin, khách hàng phải điền họ tên, chứng minh thư, kê khai 5 cuộc gọi đi, 5 cuộc gọi đến, lần nạp thẻ gần nhất... theo đúng quy định.

Một số độc giả đang học tập và công tác tại nước ngoài vừa gửi thư về báo giới bày tỏ lo lắng về nguy cơ mất số di động vì họ chưa thể về VN để đăng ký thông tin cá nhân.

Anh Trung, một khách hàng của MobiFone cho biết anh sử dụng số di động 090380xxxx từ năm 2003. Đến cuối năm 2007, anh được cử đi công tác nước ngoài. Anh vẫn giữ số điện thoại trên làm liên lạc mỗi lần về VN nghỉ phép.

Hồi tháng 3/2009, nhân chuyến về VN nghỉ phép, anh Trung đăng ký thông tin cá nhân qua tin nhắn rồi gửi tới tổng đài 1414. Tưởng rằng đã hoàn tất nghĩa vụ khai báo thông tin cá nhân, anh Trung yên tâm và thỉnh thoảng vẫn nhờ người thân ở nhà mua thẻ nạp tiền giúp để giữ số.

"Thế nhưng, mới đây tôi nhờ vợ tôi ở VN kiểm tra lại thông tin mới vỡ ra là, thuê bao của tôi đang do một người là Nguyễn Văn Nam ở TP HCM đứng tên", anh Trung kể.

Anh Trung đang lo mất số vì người thân của anh ở nhà không thể làm thủ tục khai báo thông tin giúp được. Nhà mạng yêu cầu phải có số chứng minh thư, họ tên đầy đủ và liệt kê được 5 số điện thoại đi, 5 cuộc gọi đến và lần nạp thẻ gần nhất. "Tôi đang ở nước ngoài, làm sao người nhà tôi chứng minh được đây là sim của tôi", anh Trung nói.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Nam Hải, một độc giả đang công tác tại nước ngoài cũng gửi thư cho báo giới hỏi: "Tôi đang giữ một số điện thoại di động để dành khi về VN dùng. Nay đọc báo có tin phải đăng ký thông tin cá nhân, tôi không thể về VN làm được. Xin tòa soạn tư vấn giúp tôi".

3 nhà khai thác di động lớn nhất VN là Viettel, MobiFone và VinaPhone cho hay thắc mắc của những khách hàng trên cũng chính là vấn đề mà doanh nghiệp đang tìm biện pháp xử lý. Đại diện MobiFone cho rằng thông thường chỉ thuê bao chính chủ tới các điểm giao dịch khai báo, thông tin mới có giá trị và hợp lệ. Khi tới khai báo thông tin, khách hàng phải điền họ tên, chứng minh thư, kê khai 5 cuộc gọi đi, 5 cuộc gọi đến, lần nạp thẻ gần nhất... theo đúng quy định. Do vậy, việc khách hàng ủy quyền cho người nhà khai báo thông tin rất khó được đại lý cửa hàng chấp nhận.

"MobiFone sẽ cân nhắc các giải pháp tốt nhất để khách hàng giữ lại số. Chúng tôi sẽ thông báo cho khách hàng sau", vị đại diện này nói.

Phó giám đốc chiến lược Viettel Telecom - Nguyễn Việt Dũng cho hay vẫn còn hơn 20 ngày nữa để khách hàng trong nước hoặc nước ngoài đến các điểm giao dịch của hãng trên toàn quốc để làm các thủ tục khai báo thông tin cá nhân. Tuy nhiên, đối với các trường hợp thuê bao trả trước đang học tập hoặc công tác tại nước ngoài không kịp về VN để đăng ký thông tin, hãng đang tính tới khả năng cho phép khách hàng có thể viết giấy ủy quyền cho người nhà.

Theo ông Dũng, khách hàng có thể liệt kê các cuộc gọi đi, đến, họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, bản sao chứng minh thư... và gửi về VN theo đường bưu điện hoặc thư điện tử. Khi có những dữ liệu trên, nhân viên giao dịch của Viettel sẽ kiểm tra trên hệ thống thấy số liệu hợp lệ sẽ làm thủ tục đăng ký thông tin cho khách hàng.