Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng vọt

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn nửa năm vận hành, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông đã thực sự chiếm được lòng tin của người dân Thủ đô, phát huy lợi thế của loại hình vận tải công cộng hiện đại, ưu việt.

Điều đó càng cho thấy yêu cầu cấp thiết phải đầu tư, phát triển mạng lưới ĐSĐT nói chung của Thủ đô Hà Nội.

Lượng khách đi tàu tăng

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, TS Vũ Hồng Trường cho biết, từ ngày 6/11/2021 - 24/6/2022, tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển 3.846.579 lượt hành khách, trung bình hơn 16.000 lượt hành khách/ngày. Đặc biệt, tuyến ĐSĐT này đã có 231 ngày vận hành an toàn.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hải Linh
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hải Linh

Đây là thành quả tốt nhất trong phương án vận hành giai đoạn đầu đã được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thống nhất. Hơn 7 tháng vận hành, kỷ lục về số hành khách được xác lập vào ngày 7/11/2021 (ngày thứ 2 miễn phí đi tàu), với hơn 54.300 lượt hành khách. Ngày 1/5/2022, xác lập 3 kỷ lục khác là: Vận chuyển được nhiều hành khách nhất từ khi bắt đầu thu phí với hơn 53.000 lượt; một giờ đồng hồ có số lượng hành khách đi đông nhất với hơn 7.000 lượt; doanh thu cao nhất tính đến nay.

Ông Vũ Hồng Trường thông tin thêm: “Trước đây, hành khách đi trải nghiệm tập trung ở ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa với hơn 50%, hiện nay, lượng khách phân bố đều ở các ga trên tuyến. Điều đó cho thấy lượng hành khách chủ yếu là những người dân có nhu cầu dùng tàu điện để đi học, đi làm. Nhóm khách hàng thường xuyên này tăng không ngừng minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của ĐSĐT”.

Vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội còn cho hay: “Chúng tôi đã phối hợp với trường Đại học GTVT, tiến hành khảo sát 1.384 người sử dụng ĐSĐT thường xuyên, với 85% hành khách có độ tuổi dưới 45”. Kết quả khảo sát cho thấy, có 54% số người được hỏi mua vé tháng, 52% đi lại thường xuyên bằng tàu điện; 7% hành khách mua vé tháng cả tàu điện và xe buýt. 47% hành khách sử dụng tàu điện đi làm, 45% là học sinh, sinh viên đi học và 8% đi tàu điện với mục đích khác. 60% người được hỏi có từ 1 - 2 chiếc xe máy. Đặc biệt 18% người đi tàu hiện nay có ô tô cá nhân nhưng vẫn sử dụng tàu điện để đi lại thường xuyên.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Một ngày một tuyến tàu điện có thể vận chuyển bằng khoảng 300 lượt xe buýt thường, lại nhanh chóng, an toàn, thuận tiện. Những con số này cho thấy rõ vị thế chiến lược đặc biệt qua trọng của ĐSĐT đối với giao thông Hà Nội”.

Nhiều người dân khi được hỏi cũng bày tỏ sự hài lòng đối với ĐSĐT. Chị Nguyễn Thị Phương Thanh (trú tại Tổ dân phố số 16, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi và đa số đồng nghiệp đã lựa chọn tàu điện thay thế xe riêng để thoát cảnh tắc đường triền miên. Nếu có thêm nhiều tuyến tàu điện nữa đi khắp TP, chắc rằng ngay cả đi chơi, đi mua sắm chúng tôi cũng sẽ sử dụng ĐSĐT, còn xe riêng chỉ để về quê, đi ra ngoại thành, ngoại tỉnh”.

Tập trung vào chất lượng dịch vụ

Tổng Giám đốc Vũ Hồng Trường chia sẻ: “Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho hành khách trong quá trình vận hành tàu, Công ty cũng đang tập trung nâng cao chất lượng phục vụ hành khách”.

Thời gian gần đây, có một số hành khách trang bị xe đạp gấp để đưa lên tàu. Dù nội quy chung của tàu điện là không được mang theo hàng hóa cồng kềnh, tuy nhiên, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách khi các điểm trông giữ phương tiện cá nhân còn hạn chế, Công ty đã cho khách đi tàu mang theo xe đạp gấp, với điều kiện không làm ảnh hưởng đến không gian chung. Trong tương lai, khi hành khách đi tàu ngày cành đông hơn, việc mang xe đạp gấp sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh lại sao cho phù hợp.

Mặt khác, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng đã có kế hoạch trang bị thêm các biển báo, biển nhắc nhở hành khách giữ trật tự, vệ sinh chung, hạn chế nói to, đứng ngồi không đúng quy định trên trên tàu.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, để khai thác triệt để lợi thế của ĐSĐT, tạo thuận lợi tối đa cho người dân đi lại, Hà Nội cần nhanh chóng triển khai, đưa thêm các tuyến ĐSĐT khác vào vận hành. Hiện nhiều dự án ĐSĐT của TP đang gặp không ít khó khăn, chậm tiến độ, dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận của người dân đối với loại hình vận tải công cộng ưu việt này.

ĐSĐT cũng như mọi loại hình vận tải công cộng khác cần được kết nối xuyên suốt, rộng khắp và thuận tiện cho người dân chuyển đổi. Hà Nội đã có điều chỉnh kịp thời để kết nối chặt chẽ ĐSĐT với mạng lưới xe buýt, taxi… Nhưng kết nối giữa các tuyến ĐSĐT lại chưa được hình thành vì cả TP mới có một tuyến đi vào hoạt động. Khoảng trống của ĐSĐT không chỉ hạn chế năng lực của mạng lưới vận tải công cộng nói chung mà còn khiến chính tuyến ĐSĐT số 2A nói riêng chưa phát huy được hết ưu điểm của nó.

Khi có thêm nhiều tuyến ĐSĐT với hệ thống nhà ga trung chuyển, giao thoa chặt chẽ, người dân có thể dễ dàng rút ngắn thời gian đi lại hơn nữa khi đổi tàu. Chất lượng dịch vụ của ĐSĐT nói chung sẽ được nâng cao mạnh mẽ. Hà Nội hiện đã có đoạn tuyến trên cao, dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội dần hoàn thiện để đưa vào vận hành. Dự án tuyến ĐSĐT số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Đầu tư cho ĐSĐT rất đắt đỏ, khó khăn nhưng hiệu quả mang lại vô cùng lớn. Người dân đang rất mong mỏi lãnh đạo TP tập trung, quyết liệt hơn nữa, quan tâm hơn nữa nhằm thúc đẩy các dự án ĐSĐT sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.

 

Hiện tại, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vận chuyển trung bình từ 22.000 - 24.000 lượt hành khách/ngày. Từ khi học sinh, sinh viên đi học trở lại, lượng khách tăng đều theo từng tháng, trong khi lượng khách đi trải nghiệm vào cuối tuần đang có xu hướng giảm. Trước đây, lượng hành khách đi vé tháng đạt từ 15 - 20%, nay đã đạt 55 - 60%; vào giờ cao điểm, lượng khách đi vé tháng đạt 75 - 80%.