Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội có 347 đại biểu đại diện cho gần 99.000 đảng viên của 17 đảng bộ trực thuộc trong toàn Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Đại hội.
Hà Tĩnh đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực
Phát biểu khai mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, đưa tỉnh Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ then chốt. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; là tỉnh đi đầu trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ, có nhiều đổi mới, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; bước đầu đánh giá cán bộ xuyên suốt, nhiều chiều, bằng sản phẩm cụ thể. Công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Công tác dân vận được chú trọng. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, thiết thực.
Sau sự cố môi trường biển, năm 2016 kinh tế suy giảm âm 14,6%. Năm 2017 lấy lại đà tăng trưởng, bình quân 3 năm 2017 - 2019 đạt trên 13%, đặc biệt năm 2018 tăng 20,9%, cao nhất cả nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dự kiến năm 2020 tăng khoảng 5,2%; vì vậy, trong 5 năm bình quân tăng tưởng khoảng 6%, bằng mức cả nước là một sự nỗ lực lớn của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, tỷ lệ xã đạt chuẩn gấp gần 2 lần so với kế hoạch đề ra, gấp 1,5 lần bình quân cả nước; đặc biệt tiêu chí thứ 20 “xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu” được Trung ương đánh giá cao.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực. Chính sách đối với người có công luôn được chăm lo. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, dự kiến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn - xã hội đảm bảo, tạo môi trường ổn định để phát triển. Hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả.
 Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn phát biểu khai mạc Đại hội
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng cho rằng, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, cầu thị, chúng ta nhận thấy, nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.
Vì vậy, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX có nhiệm vụ xem xét, nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế với nguyên nhân cụ thể, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm; đồng thời, thảo luận, thống nhất chủ đề, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 5 năm và 10 năm tới.
“Đại hội nghiêm túc kiểm điểm đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, giúp cho Ban Chấp hành khóa mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đại hội tiếp tục thảo luận đóng góp ý kiến chất lượng vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thảo luận, góp ý vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để Ban Chấp hành khóa mới triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực tiễn, có tư duy, tầm nhìn chiến lược, là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ; đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, vì lợi ích chung, để lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; lựa chọn, bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, đại diện cho ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân, có khả năng đóng góp trách nhiệm, trí tuệ vào sự thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 - Ảnh 3
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chính thức khai mạc 

Đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn

Trình bày báo cáo tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn. Trong tỉnh, sự cố môi trường biển nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế, môi trường, xã hội, an ninh, chính trị... cả trước mắt và lâu dài; lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh đã phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 6%. Quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 44 triệu đồng lên gần 65 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông nghiệp còn 12,9%, công nghiệp - xây dựng 45,8%, dịch vụ 41,3%. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực ; năng suất lao động bình quân tăng 11,1%/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có trên 90% số xã và có 06 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 13 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu với những cách làm sáng tạo, đạt kết quả nổi bật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng toàn diện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tổng thu ngân sách đạt 57.700 tỷ đồng, tăng bình quân 18,2%/năm, trong đó thu nội địa chiếm 58%. Huy động vốn tăng trưởng bình quân đạt 16,5%/năm, trong đó vốn trung và dài hạn tăng trưởng trên 30%/năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 164.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa, thể thao tiếp tục có nhiều chuyển biến. Tổ chức tốt các sự kiện chính trị, văn hóa gắn với tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng vùng đất, con người Hà Tĩnh. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, nhất là các di sản được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh.

Giáo dục - đào tạo đạt kết quả khá toàn diện. Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quy hoạch lại hệ thống trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng giáo dục. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động đặc thù, gắn với giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53% lên 70%.. Bình quân hàng năm tạo việc làm cho trên 23.500 lao động, trong đó hơn 8.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 11,4% giảm còn dưới 3%.

Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội đảm bảo đã tạo môi trường ổn định để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Tích cực, chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại. Đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với các tỉnh của nước bạn Lào. Tiếp tục mở rộng hợp tác với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan; triển khai ký kết hợp tác với một số tỉnh, TP của các nước Đức, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản. Củng cố và tăng cường hợp tác với đại sứ các nước tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế, thiết lập các đối tác chiến lược. Mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, các địa phương của các nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và thế giới…

Bên cạnh đó, Báo cáo chính trị cũng chỉ rõ một số hạn chế, như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa vững chắc, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phát triển thiếu bền vững, chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương; liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thiếu chặt chẽ. Chưa tạo được chuyển biến căn bản về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Huy động tổng đầu tư toàn xã hội đạt thấp, một số dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ. Thu ngân sách, nhất là các khoản thu ngoài quốc doanh đạt thấp, thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn. Môi trường đầu tư chưa thuận lợi, thu hút đầu tư vào một số địa bàn, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn…

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nêu rõ, trong nhiệm kỳ tới, Đại hội xác định mục tiêu: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Đồng thời tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm, 5 chương trình trọng điểm, 3 đột phá chiến lược.

Trong đó, các chương trình trọng điểm, gồm: Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân, xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển các tuyến giao thông chiến lược, hình thành các trục phát triển , đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Vũng Áng, hạ tầng số, kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, nước sạch. Đầu tư phát triển, chỉnh trang và nâng cao chất lượng đô thị.

Xây dựng TP Hà Tĩnh có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Phát triển giá trị, bản sắc văn hóa, trí tuệ con người Hà Tĩnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy phát triển kinh tế số.Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

3 nhiệm vụ đột phá gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng đô thị, hạ tầng thông tin, viễn thông, thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Thẩm tra tư cách đại biểu Nguyễn Thị Gái cho biết, Đại hội triệu tập 347 đại biểu chính thức bảo đảm đủ tư cách theo đúng quy định của Đảng; trong đó có 296 đại biểu được bầu từ 17 đảng bộ và 51 đại biểu là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đại diện cho gần 99 nghìn đảng viên trong toàn, Đảng bộ tỉnh dự Đại hội. Có 2 đại biểu chính thức vắng mặt vì lý do sức khỏe, đại hội đã triệu tập 2 đại biểu dự khuyết thay thế, bảo đảm đúng nguyên tắc và Điều lệ Đảng. 100% đại biểu đã biểu quyết nhất trí kết quả thẩm tra theo báo cáo.