Tổng doanh thu về du lịch xếp thứ 4 khu vực ĐBSCL
Du lịch đang được xem là mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bạc Liêu. Dù nhiều khó khăn sau đại dịch, nhưng ngành vẫn phát triển mạnh lũy tiến hàng năm.
Theo đó, năm 2022, doanh thu dịch vụ, du lịch đạt khoảng 3.250 tỷ đồng đạt 108% kế hoạch, tăng 155% so cùng kỳ; đón tiếp được khoảng 3.670.000 lượt khách đạt 111% kế hoạch, tăng 153% so cùng kỳ; trong đó có 1.650.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt 103% kế hoạch, tăng 184% so cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 3.500 lượt khách.
Năm 2023, con số càng ấn tượng hơn khi đón tiếp khoảng 4,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ đó, du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân.
Doanh thu du lịch hiện đang tăng song hành với lượng du khách đến Bạc Liêu. Vào những dịp lễ, tết… là guồng máy du lịch của tỉnh này hoạt động công suất tối đa để phục vụ du khách.
Chỉ riêng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ 29 đến hết Mùng 8 Tết), lượng khách du lịch đến Bạc Liêu đạt khoảng 335.000 lượt (bao gồm cả khách tham quan, du lịch nội tỉnh), tăng 11,7% so với năm 2023; trong đó, có khoảng 28.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú; khách quốc tế khoảng 6.000 lượt (bao gồm cả Việt kiều về quê ăn Tết).
Tổng thu dịch vụ du lịch khoảng 175 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023; trong đó, thu từ khối dịch vụ nhà hàng - khách sạn - cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt khoảng 88 tỷ đồng. Có thể nói, doanh thu du lịch ngày càng tăng đang là một tiền đề cơ hội để quảng bá du lịch tỉnh này, qua đó nhằm giữ chân và tăng du khách trong những năm tới.
Đánh giá về ngành du lịch của tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Du lịch Bạc Liêu liên tục có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, hàng năm lượng du khách tăng trung bình khoảng 15%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng hơn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu trong khu vực và cả nước...”
Văn hoá đặc trưng tạo lợi thế lớn cho phát triển du lịch
Là vùng đất có lịch sử lâu đời được giao thoa bởi 3 nền văn hóa Việt – Hoa –Khmer, Bạc Liêu có đặc điểm du lịch riêng khác biệt so với các nơi khác trong vùng. Dù mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng nhưng theo dòng chảy của thời gian, tất cả đã giao thoa, hòa hợp thành thứ văn hóa rất đặc trưng và đặc sắc cho xứ Bạc Liêu.
Trải dài suốt các tháng trong năm, sắc màu từ lễ hội: Dạ cổ hoài lang, Nghinh Ông, Chôl-chnăm-thmây, Oóc-om-bóc, Kỳ yên… của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa làm cho Bạc Liêu luôn hấp dẫn, cuốn hút trong mắt bạn bè phương xa.
Điều đặc biệt ở văn hóa của Bạc Liêu là lễ hội của dân tộc này luôn có sự góp mặt, chung vui của anh em dân tộc khác. Chính vì vậy, văn hóa Bạc Liêu là kết tinh của sự giao thoa và hòa quyện từ những nét văn hóa riêng biệt, được thể hiện rõ trong ẩm thực, đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần.
Cũng chính vì những đặc điểm đó, trải qua năm tháng, vùng đất Bạc Liêu đã hình thành những địa danh du lịch nổi tiếng. Hiện tại Bạc Liêu có 11/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận. Đặc biệt, trong đó, có 9 điểm du lịch trên địa bàn TP Bạc Liêu.
Đi đôi với các điểm du lịch tiêu biểu, Bạc Liêu đang thực hiện thêm nhiều giải pháp nghiên cứu, phát triển thêm các loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Hoa – Khmer. Qua đó, tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch, thu hút nhiều hơn du khách đến Bạc Liêu tham quan, trải nghiệm.
Thay đổi để đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
Ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Năm 2024 được xác định là năm “nước rút” thực hiện hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) của tỉnh.
Theo đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết liệt, tăng tốc trong thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực của ngành, nhất là nhiệm vụ, giải pháp “Đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL.”
Ngay trong quí I/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm tham quan du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí,...
“Bạc Liêu tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đối với địa bàn trọng điểm, động lực phát triển du lịch… để góp phần đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”- ông Lương Vỹ Triều Dương nhấn mạnh.
Ngày 29/3 sắp tới, tại TP Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp Hội du lịch ĐBSCL và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP Cần Thơ đồng tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”.
Mục đích hội thảo nhằm đánh giá và tìm giải pháp để xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Đồng thời, phân tích lợi thế, tiềm năng, cơ hội và thách thức trong kinh doanh lữ hành để tìm ra giải pháp tiếp cận về quản lý. Phối hợp giữa đơn vị quản lý, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và điểm đến du lịch, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chương trình tour, tuyến du lịch và trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL.