Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khám phá “thư viện sách” lâu đời nhất phố Đinh Lễ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thánh địa sách” là cách người yêu sách Hà Nội thường nói khi nhắc đến khu tập thể nhiều sách nhất Thủ đô, nằm trên căn gác 2 của dãy nhà số 5 Đinh Lễ. Đó cũng là nơi, Nhà sách Mão nằm nép mình giữa phố thị xô bồ để đón tiếp những người yêu văn chương và muốn tìm hiểu về lịch sử của phố sách đầu tiên của Hà Nội.

Nhà sách Mão tại số 5 Đinh Lễ. Ảnh: Lại Tấn
Nỗi nhớ bà lão già nơi phố sách
Người yêu sách ở Hà Nội, thế hệ 8x, 9x thường nhớ đến một cặp vợ chồng già bán sách trên căn gác 2 của khu tập thể Đinh Lễ. Căn gác lẩn khuất giữa những cửa hàng sách lớn, biển hiệu sáng đèn; nằm sâu một con ngõ, ẩn mình dưới bóng cây si già cỗi. Ở đó, người yêu sách sẽ thấy một tấm biển quen thuộc “Nhà sách Mão”. Nhưng giờ đây, khách hàng không còn được thấy hình ảnh của một cụ bà tóc bạc trắng, ngồi ở chiếc ghế gỗ ngay dưới tấm biển “Nhà sách Mão” để đọc sách, chỉ chỗ để sách cho bạn đọc, cười nói cho người mua. Bà đã về bên kia thế giới, để lại giá trị lón nhất là tình yêu dành cho sách cho con cháu, và độc giả.
Bước vào nhà sách, giờ chỉ còn một vài mẩu chuyện hiếm hoi nói về bà. “Ai đã từng chìm ngập trong sách hàng tiếng đồng hồ ở những gian nhà yên tĩnh tại đây sẽ không bao giờ quên bà Phạm Thị Mão – được coi là người khai sinh ra phố sách lâu đời nhất Thủ đô – phố sách Đinh Lễ. Ở phố này những ai trân quý sách, thì đều tôn trọng lòng nhiệt tình của bà Phạm Thị Mão. Đồng hành với bà là chồng – ông Lê Luy” – đó là vài dòng chữ in trên tờ giấy tiệm sách giới thiệu về bà.
Ngồi dưới bóng cây si già, lật dở những trang sách, chúng tôi nghe thấy tiếng ho của một cụ ông trong một bộ pijama ngồi bên hiên cửa. “Đó là ông Lê Luy, chồng của bà Mão. Lâu nay, người ta vẫn thường gọi 2 cụ là những người sinh ra con phố sách Đinh Lễ. Ngày đầu bán sách từ những năm 90, hai cụ bắt đầu xe hàng của mình với một xe hàng đơn sơ. Đều đặn mỗi ngày, hai cụ đẩy xe hàng đi bán ở Hồ Gươm. Đó là một cái nôi giữ trẻ, có 4 bánh xe, diện tích khoảng 4 mét vuông, hai vợ chồng bán từ 4 giờ chiều đến 6 giờ tối lãi được 5.000 đồng" – chị Phạm Thị Trang, một khách hàng thân thiết của tiệm sách giới thiệu.
Góp nhặt để duy trì
Gần 30 năm bán sách, cơ nghiệp của ông Luy bà Mão là 6 gian nhà sách. 6 gian nhà sách ấy có được là nhờ tình yêu rất lớn đối với sách, tình yêu sách đã dẫn người có cái duyên đến với một cuốn sách rất đặc biệt – “Almanach – Những nền văn minh thế giới”. Chính cuốn sách này đã tạo ra dấu mốc thay đổi lớn trong cuộc đời bán sách của 2 cụ. Tất cả số tiền lãi, 2 cụ dùng để mua nốt 5 căn nhà trên gác 2 của tập thể để tiếp tục bán sách cho những người tìm đến đây.
Giờ đây, đến Nhà sách Mão, ngoài kho tàng sách khổng lồ về các lĩnh vực đời sống, xã hội, bạn đọc không khó để tìm thấy những cuốn sách về Hà Nội. Ngoài những cuốn sách mới nói về Thủ đô, người ta còn có thể tìm thấy hàng chục cuốn sách cũ, giấy đã ố vàng, xuất bản từ thế kỷ XIX như: “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam, “Tự nhiên như người Hà Nội” của Nguyễn Trương Quý... Giá của những cuốn sách vì thế cũng vừa mua hơn so với nơi khác, học sinh, sinh viên chỉ phải trả số tiền 2/3 hoặc rẻ hơn so với mệnh giá đã in trên bìa sách.
Chị Lê Ngọc Anh, con gái duy nhất của ông Lê Luy và bà Phạm Thị Mão chia sẻ: “Thực ra, khi mình còn nhỏ, mình cũng từng nói với bố mẹ, chắc sau này con không làm sách, bởi vì nó quá vất vả. Nhưng giờ tôi đã thay đổi hẳn suy nghĩ, nhìn ông bà lựa chọn từng cuốn sách, nâng niu từng trang giấy, tư vấn từng cuốn sách đến tay bạn đọc… tôi như được tiếp lửa để tiếp tục duy trì và phát triển Nhà sách Mão”.