Khâm phục những tấm gương vượt qua bóng tối

Bài, ảnh: Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Câu tục ngữ “giàu hai con mắt” nói lên sự quan trọng và cần thiết của đôi mắt trong cuộc sống. Ấy vậy mà nhiều thanh niên khiếm thị đã nỗ lực, cố gắng vượt qua số phận, trở thành người có ích cho xã hội.

Ngày 13/10, Hội người mù (HNM) TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tuyên dương 9 thanh niên khiếm thị Thủ đô tiêu biểu, đại diện cho khoảng 2.000 thanh niên khiếm thị trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, gương mặt là niềm tự hào của người khiếm thị Hà Nội - Đỗ Thúy Hà (SN 1981, Chủ tịch HNM quận Đống Đa), vừa được UBND TP Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú 2016”.

 Hội người mù TP Hà Nội tuyên dương 9 thanh niên khiếm thị tiêu biểu

Nhận ra rằng để sống có ích và hạnh phúc phải cố gắng nhiều hơn so với người bình thường. Chính vì vậy, Đỗ Thúy Hà đã không ngừng nỗ lực để đạt những kết quả đáng khâm phục. Cô một trong 7 đại diện của 7 nước Châu Á - Thái Bình Dương nhận học bổng Duskin du học tại Nhật Bản; tốt nghiệp khoa tiếng Anh của Viện Đại học Mở. Khi đạt được vị trí nhất định, Hà luôn nghĩ đến việc sẻ chia với những số phận kém may mắn khác. Những hoạt động đầy tâm huyết vì cộng đồng của cô đã được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực.

Nguyễn Thị Hồng Châu (SN 1982, HNM quận Hoàn Kiếm) sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em đều khiếm thị nhưng cô đã phấn đấu thực hiện ước mơ chinh phục trong các cuộc thi đấu môn cờ vua. Hiện nay, Châu đang là vận động viên môn cờ vua tại CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội, từng tham gia nhiều giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, Paragames khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Năm 2015, Châu đã xuất sắc giành 2 huy chương Vàng tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, 3 huy chương Vàng tại Paragames được tổ chức tại Singapore.

Ở tuổi 16, Nguyễn Thảo Đan (HNM quận Đống Đa) đã khắc phục khó khăn khi theo học đồng thời 2 trường là học văn hoá tại trường Nguyễn Văn Tố và theo đuổi đam mê âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Năm 2014, Đan đạt huy chương Vàng liên hoan văn nghệ người khuyết tật toàn quốc. Năm 2016, đạt giải xuất sắc liên hoan văn nghệ “Tiếng hát từ trái tim”.
 Các thanh niên khiếm thị tiêu biểu giao lưu, chia sẻ vượt qua số phận.

Dù bị khiếm thị bẩm sinh, Nguyễn Phương Anh (SN 1998, HNM quận Bắc Từ Liêm) đã phấn đấu 12 năm liền là học sinh giỏi, là một chi hội trưởng trẻ, gương mẫu, hăng hái tham gia các phong trào, cuộc vận động, câu lạc bộ do HNM TP Hà Nội và HNM quận Bắc Từ Liêm phát động. Năm 2015, Phương Anh đã được UBND quận Bắc Từ Liêm tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội và hiện nay Phương Anh đang là sinh viên năm nhất của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Giáo viên dạy tin học cho người khiếm thị khá nổi tiếng - Nguyễn Trung Thái (SN 1985) là Phó Bí thư Chi đoàn thanh niên HNM TP Hà Nội. Vượt qua bóng tối của mặc cảm, tự ti, Thái nhận ra với sự nỗ lực của bản thân và những điều mà anh làm có thể giúp ích cho các bạn đồng tật và nhiều người khác. Năm 2014, Thái đã đoạt giải cao trong cuộc thi tin học dành cho người khiếm thị toàn quốc.

Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em đều hỏng mắt do nhiễm chất độc dioxin, Nguyễn Thị Sen (SN 1988, HNM quận Hà Đông) vẫn cố gắng tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội và tốt nghiệp Khoa âm nhạc truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Một tấm gương tiêu biểu về lĩnh vực thể thao - đó là Đỗ Ngọc Thắng (SN 1986, HNM quận Nam Từ Liêm). Sinh ra trong gia đình không may mắn khi cả hai anh em đều bị khiếm thị bẩm sinh, Thắng đã phấn đấu rèn luyện sức khỏe, khắc phục mọi khó khăn, trở thành vận động viên bộ môn Điền kinh ném đẩy. Đồng thời, đã giành 22 tấm huy chương Vàng và 4 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng tại các kỳ đại hội thể dục thể thao giành cho người khuyết tật toàn quốc. Thành tích của Thắng đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thứ hạng cho đoàn vận động viên khuyết tật Hà Nội.

Nguyễn Văn Ngọc (SN 1986, HNM huyện Thường Tín) đang là ủy viên của Liên hiệp Hội Thanh niên Việt Nam huyện Thường Tín. Là hội viên trẻ, anh luôn tích cực đóng góp các ý kiến nhằm đẩy mạnh công tác văn hóa văn nghệ và các mặt hoạt động khác của Hội. Đồng thời, tích cực đóng góp vào các hoạt động của địa phương, mở lớp dạy âm nhạc cho các thanh thiếu niên.

Bố mất sớm, mẹ là thương binh loại 2/4, Đào Thanh Thảo (SN 1997, HNM huyện Đông Anh) đã tự tìm hiểu phương pháp học để 12 năm học phổ thông đều học hòa nhập với các bạn mắt sáng. Khắc phục khó khăn, Thảo đã thi đỗ vào khoa Việt Nam học của trường Đại học Thủ đô và hiện đang là sinh viên năm thứ 2.

Nghị lực sống ở người lành lặn đủ đầy đã quý, nghị lực sống ở những người khuyết tật là cả gia tài mà họ có, để sống có ích cho xã hội. Không ai có thể hình dung hết những khó khăn mà số phận đã đặt lên vai các thanh niên khiếm thị nhưng họ đã vượt lên số phận, vươn lên như những đóa hoa tỏa ngát hương thơm. Đó là nhờ sức mạnh của tình yêu cuộc sống, giúp họ vượt qua bóng tối.