Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khảm trai Cao Xá trước nguy cơ mai một

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ từ những mảnh vỏ trai vô tri, vô giác nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ làng Cao Xá, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa đã tạo nên những sản phẩm vô cùng tinh xảo.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, làng nghề hiện đang có xu hướng thu hẹp dần sản xuất và đứng trước nguy cơ mai một.
Nghề lắm công phu
Cao Xá là một ngôi làng được nhiều người biết đến bởi có nghề khảm trai truyền thống. Với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, người thợ Cao Xá đã biến những vật tưởng chừng bỏ đi thành những sản phẩm đẹp mắt, hữu ích trong đời sống hàng ngày. Sản phẩm khảm trai chủ yếu của làng nghề là sập, tủ, bàn ghế, hoành phi, khung tranh ảnh… nổi tiếng bởi sự bền đẹp. Với kỹ thuật cẩn và đục trai rất khít đã tạo nên đường nét tinh xảo, uyển chuyển, sống động. Qua bàn tay người thợ Cao Xá, mỗi sản phẩm  như một kiệt tác nghệ thuật.

Anh Nguyễn Văn Mạnh đang làm việc tại cơ sở của gia đình.

Nghề khảm trai công phu từ khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu để khảm trai có nhiều loại như vỏ trai, ốc, sác, khẩu… Trong đó, mỗi loại nguyên liệu lại có màu sắc riêng và dùng để khảm ở những vị trí khác nhau. Trai lấy thịt khi khảm có màu trắng xanh, trai lấy ngọc bên trong có lớp xà cừ óng ánh tựa sắc cầu vồng. Vỏ của ốc đỏ dùng để khảm những cánh rồng, phượng hay họa tiết trong áo gấm vua chúa có giá trị lên tới 50 - 70 triệu đồng/kg. Có loại thu mua trong nước, nhưng cũng có loại phải nhập ngoại.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ một cơ sở khảm trai cho biết: Nghề khảm trai này không phải ai cũng làm được, bởi người thợ khảm trai phải có tư duy, óc sáng tạo của một họa sĩ thiết kế để bố trí, sắp xếp bố cục, màu sắc bức tranh sao cho hợp lý nhất. Một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề là "cẩn xà cừ", người thợ phải gắn hàng trăm nghìn miếng trai lên bức gỗ đã chạm nét sao cho thật khít, không bị cộm. Sau khi khảm trai lên gỗ, người thợ sẽ đánh bóng hoàn thiện sản phẩm. Mỗi bức khảm trai có giá trị từ vài triệu cho tới hàng tỷ đồng, tùy thuộc vào kích thước và chất liệu khảm trai. Sản phẩm của làng nghề được khách hàng đánh giá cao cả về mẫu mã và chất lượng sản phẩm.
Nguy cơ mai một
Chủ tịch UBND xã Trung Tú Quách Văn Mạng cho biết: Làng nghề khảm trai Cao Xá đã có truyền thống lâu đời, nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là vào những năm 1990, thời điểm đó cả làng nhà nào cũng làm khảm trai. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số hộ dân bỏ nghề ngày càng nhiều. Hiện chỉ còn 6 cơ sở sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng của khách, chứ không sản xuất bày bán đại trà.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do tác động của kinh tế thị trường, nhu cầu về mặt hàng khảm trai giảm mạnh, hàng làm ra không có nơi tiêu thụ. Mặt khác, do địa phương xa trung tâm, cơ sở hạ tầng yếu kém nên khó khăn trong việc giao thương trao đổi hàng hóa. Theo ông Mạng, bản thân nghề khảm trai này luôn phát triển song song bên cạnh làng nghề mộc, vì sản phẩm của nghề mộc là nguyên liệu của nghề khảm trai. Vì vậy, để thuận tiện cho công việc, nhiều tốp thợ của làng đã đem nghề truyền thống đến địa phương khác có nghề mộc để phát triển, như TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang... Rất nhiều người đã thành danh và lập nghiệp ở đó không trở về quê hương. Một số hộ chuyển sang kinh doanh nghề khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, lớp lao động trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống, vì vậy làng nghề thiếu hụt một lượng lớn lao động kế cận. 
Để hỗ trợ làng nghề phát triển, xã đã có nhiều chính sách ưu đãi trong việc hỗ trợ các hộ vay vốn kinh doanh, mở các lớp dạy nghề cho thanh niên. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, để làng nghề được khởi sắc, trong thời gian tới, chính quyền cần có chính sách cụ thể hơn nữa trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng cả nước. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng tới phát triển làng nghề gắn với du lịch.