Các đơn vị thủy lợi và địa phương đã vận hành hàng trăm máy bơm chống úng cho cây trồng.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến chiều 26/5, tổng diện tích cây trồng bị ngập do mưa lớn từ đêm 24/5 đến ngày 25/5 là gần 5.200ha và diện tích cây trồng bị đổ, gãy là trên 410ha. Trong đó, diện tích lúa bị ngập là trên 2.600ha, rau bị ngập là hơn 1.200ha, ngô hơn 360ha… Đáng chú ý, trong khi diện tích lúa bị đổ gãy chỉ có 32ha, thì diện tích rau bị dập nát khá cao (hơn 220ha). Các địa phương có diện tích cây trồng bị ngập, đổ gãy, dập nát nhiều là Thanh Oai (gần 1.500ha), Hoài Đức (hơn 1.400ha), Hà Đông (trên 500ha)… Ông Nguyễn Văn Hiến – Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, trong ngày 26/5, huyện đã thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế tình hình úng ngập trên địa bàn. Đồng thời có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, thống kê tình hình thiệt hại do mưa lớn gây ra và triển khai các biện pháp chống úng cho cây trồng. Tính đến ngày hôm qua, mặc dù một số vùng trên địa bàn huyện Hoài Đức, nước đã rút bớt, song huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, nhất là vùng bị úng ngập đồng loạt vận hành máy bơm tiêu úng. 3 xã trọng điểm bị úng là Sơn Đồng, Lại Yên, Kim Chung còn phải huy động nhân lực dồn đất vào bao tải đắp gia cố các tuyến kênh mương chính. Riêng đối với cây rau rất dễ bị hỏng, huyện đã có văn bản hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc, khắc phục từng loại rau. Ông Nguyễn Trọng Khiển – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, đến chiều 26/5, lượng nước trên địa bàn huyện đã rút xuống 20cm so với ngày hôm trước. Huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị vận hành trạm bơm tiêu La Khê và hơn 10 trạm bơm dã chiến nhằm tập trung tiêu úng cho đồng ruộng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến năng suất lúa và rau màu. Đáng chú ý, do tâm lý chủ quan không có sự chuẩn bị trước, nhiều hộ nuôi gà, vịt ở khu vực thấp, trũng bị thiệt hại đáng kể. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, đến thời điểm chiều 26/5, số gia cầm bị chết do ngập nước đã lên tới hơn 1.000 con, tập trung tại các xã Kim Thư, Tân Ước. Bên cạnh đó, tại vùng nuôi trồng thủy sản như Liên Châu, nhiều hộ cũng mất trắng một số lượng lớn thủy sản do nước dâng tràn bờ. Tại huyện Ba Vì, mưa lớn kéo dài mấy ngày qua đã gây ngập nhiều diện tích lúa và hoa màu chuẩn bị thu hoạch. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, huyện hướng dẫn bà con nông dân tập trung nhanh chóng giải tỏa dòng chảy, tránh tích tụ nước. Bên cạnh đó khẩn trương thu hoạch lúa Xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hạn chế lúa đổ, mọc mầm. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, đến ngày 26/5, các DN thủy lợi đã vận hành 71 trạm bơm tiêu với 334 máy bơm, tổng lưu lượng bơm gần 1 triệu m3/giờ để khắc phục các diện tích ngập úng do mưa. Ông Chu Văn Tuấn – Phó Chi cục trưởng cho biết, Chi cục đã đề nghị các DN thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến mưa và tình hình ngập úng để có biện pháp chống úng kịp thời. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi trên địa bàn TP.
Trạm bơm Ngoại Độ II, Ứng Hòa đóng vai trò quan trọng trong công tác tiêu úng những ngày qua. Ảnh: Trọng Tùng |
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai vừa có Công điện số 07/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định, các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, GTVT, NN&PTNT, TN&MT, TT&TT về ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông. Theo đó, đề nghị các cơ quan thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến ATNĐ. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền. Khẩn trương kiểm đếm, thông tin để tàu thuyền hiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là phía Bắc vĩ tuyến 15 và phía Đông kinh tuyến 110. Đồng thời, duy trì lực lượng phương tiện, cứu hộ để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu… Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, hiện ATNĐ đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ sáng 27/5, vị trí tâm ATNĐ cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 100km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. (Lâm Nguyễn) |