Khẳng định quê hương của Ngô Quyền
Theo sử sách, ngay sau ngày chiến thắng, từ cửa biển Bạch Đằng (TP Hải Phòng), Ngô Quyền kéo đại quân về đóng đô ở Loa Thành (thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) để tỏ ý tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương - An Dương Vương, khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc non trẻ vừa mới giành lại được.
Đóng đô ở Cổ Loa, Ngô Quyền muốn dựa vào thành cao, hào sâu ở vị trí đầu mối của các luồng đường giao thông thuỷ bộ giữa trung tâm châu thổ sông Hồng, để triều đình trung ương có thể nắm chắc miền châu thổ mà vươn ra quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Tòa thành Cổ Loa được quân dân Âu Lạc xây dựng không chỉ là kinh đô ở trung tâm đất nước mà còn là căn cứ phòng ngự liên hoàn của cả bộ binh và thủy quân với hàng trăm thuyền chiến cơ động hoạt động thông qua hệ thống sông Hoàng Giang, sông Cái, sông Cầu, sông Đuống, sông Lục Đầu...
Việc Ngô Quyền chọn Cổ Loa làm đất định đô mang ý nghĩa lịch sử lớn lao. Cổ Loa đã từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô Cổ Loa là chung đúc của lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc của cả dân tộc, là bước tiếp nối và nâng tầm trận chung kết lịch sử toàn thắng ở Bạch Đằng, đánh dấu một bước tiến dài, rất căn bản của lịch sử Việt Nam”.
Về thông tin gần đây có một số người cho rằng quê hương của Ngô Quyền không phải ở làng Đường Lâm (Sơn Tây); chiến thắng Bạch Đằng năm 938 chưa hẳn đã là dấu mốc kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc; nhà nước do Ngô Quyền thành lập vào đầu năm 939 mới chỉ độc lập về chính trị… GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định: “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nhiều lần phối hợp với TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học bàn luận một cách cặn kẽ và chỉ ra những sai trái của các lập luận trên, nêu cao sự nghiệp mở nước, xưng vương của Ngô Quyền. TP Hà Nội đã quyết định xây dựng đền thờ Ngô Quyền ở Cô Loa, tổ chức lễ hội Ngô Quyền mở nước xưng vương, định đô ở Cổ Loa, đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, tuyên truyền, giới thiệu về công danh và sự nghiệp bất hủ của Ngô Quyền - vị Tổ trung hưng của đất nước”.
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
Triển lãm “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất” được chắt lọc từ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học; các tư liệu, hình ảnh sưu tầm của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hải Phòng, tranh dân gian, tranh truyện, các sưu tập ảnh tư nhân...
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Ngô Văn Nam: Triển lãm giới thiệu, quảng bá đến công chúng, du khách trong nước và quốc tế, cộng đồng địa phương về công lao của Ngô Quyền như một lời tri ân tiền nhân. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho Nhân dân.
Triển lãm gồm 3 chủ đề: “Hào trưởng đất Đường Lâm”, giới thiệu khái quát về mảnh đất Đường Lâm lịch sử, thân thế và dòng tộc của Ngô Quyền.
Chủ đề 2 “Nổi sóng Bạch Đằng”, giới thiệu về trận thủy chiến vĩ đại trên cửa biển Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy thắng lợi, đánh tan quân Nam Hán kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc.
Chủ đề 3 “Thành Cổ Loa mở nền độc lập” gồm 2 nội dung chính “Dựng nghiệp đất Loa Thành”, giới thiệu công cuộc định đô, xây dựng nền độc lập và dấu tích, truyền thuyết của Ngô Quyền tại Cổ Loa. “Sử xanh còn ghi mãi”, giới thiệu công lao của Đức vua Ngô Quyền được các triều đại lịch sử Việt Nam và Nhân dân ghi nhận bằng việc lập đền, đình, miếu, tạc bia đá, sắc phong, ban mỹ tự, phụng thờ và tổ chức lễ hội ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 19/4, tại Nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa, thôn Chùa, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.