Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẳng định vai trò Ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân

Thu Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Bên cạnh đó, các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, khiến hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, bằng các giải pháp chủ động, linh hoạt, Hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoạt động ổn định, tạo chỗ dựa vững chắc cho các QTDND thành viên, qua đó càng khẳng định vai trò “Ngân hàng của các QTDND”.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ, nhu cầu sử dụng vốn trong nền kinh tế vì thế cũng sụt giảm mạnh. Đầu ra gặp khó khiến hầu hết các QTDND đều dư thừa vốn khá lớn nên việc điều hòa vốn của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đối với QTDND chủ yếu là thực hiện nhận tiền gửi, việc cho vay giảm nhiều so với các năm trước.
  Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo các Chi nhánh rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Không chỉ cho vay đối với thành viên mà việc phát triển tín dụng đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cũng gặp nhiều khó khăn cho dù Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm mở rộng hoạt động tín dụng ngay từ đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình dịch bệnh phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng bị ảnh hưởng dẫn đến nhu cầu tín dụng thấp.

Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cân đối nguồn vốn nói riêng, hoạt động kinh doanh nói chung của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Tuy nhiên với vai trò là ngân hàng đầu mối hỗ trợ cho các QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chủ động vừa chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng liên tục hỗ trợ thành viên, khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế.

Theo đó, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng. Từ đó, ban hành chương trình hành động hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn và triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trên toàn hệ thống, trong đó tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng; xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay; miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng; xem xét tiếp tục cho vay mới.

Đặc biệt sau khi NHNN ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã tiếp tục ban hành Quy định nội bộ về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống nghiêm túc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Khó khăn càng thêm chồng chất khi mà đợt mưa lũ vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có không ít đối tượng là thành viên của các QTDND, là khách hàng của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã trực tiếp làm việc với các Chi nhánh thuộc địa bàn bị ảnh hưởng của bão lũ để chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, các Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; điều chỉnh lãi suất vay vốn; tạo điều kiện cho khách hàng vay mới để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thiên tai, dịch bệnh không chỉ làm sụt giảm nhu cầu tín dụng mà còn tạo áp lực lớn đến nợ xấu do sản xuất kinh doanh bị đình trệ đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng. Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ trong tâm của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong năm qua đó là tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội và Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của NHNN Việt Nam.

Mặc dù đại dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất – kinh doanh đã khởi sắc hơn, nhưng nhiều dự báo cho thấy, khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, với nền kinh tế vẫn chưa hết. Đặc biệt theo các chuyên gia, có thể phải đến giữa năm 2021 khó khăn đối với hệ thống các TCTD mới bộc lộ hết khi mà Thông tư 01 hết hiệu lực thi hành. Với hệ thống QTDND, khó khăn có thể còn lớn hơn nhiều khi đa phần các QTDND đều có quy mô nhỏ, sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu, địa bàn hoạt động nhỏ, năng lực quản trị còn nhiều bất cập.

Trong bối cảnh đó, với vai trò là “Ngân hàng của các QTDND”, trong thời gian tới, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam xác định cần tiếp tục thực hiện hoạt động chính là điều hòa vốn, hỗ trợ tối đa cho các QTDND, tích cực triển khai các sản phẩm, dịch vụ đến với các QTDND, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhu cầu về vốn hợp lý cho hệ thống QTDND. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động, thực hiện tốt công tác kiểm tra sử dụng vốn vay của QTDND, hạn chế rủi ro trong hệ thống.

Đồng thời, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục thực hiện mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tăng cường hỗ trợ và tháo gỡ cho các khách hàng tạm thời khó khăn về tài chính, kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng hiệu quả cho vay, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay. Đặc biệt, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện quyết liệt và áp dụng toàn diện các biện pháp xử lý nợ xấu để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiền thân là QTDND Trung ương được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là “Ngân hàng” của tất cả các QTDND, thành lập theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, điều hòa vốn, hỗ trợ NHNN giám sát các QTDND, ngoài ra Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam còn cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có Trụ sở chính tại Tầng 4 - Tòa nhà N04 - Hoàng Đạo Thúy - P. Trung Hòa - Q. Cầu Giấy - Hà Nội với 32 Chi nhánh, 67 Phòng giao dịch. Hiện cả nước có gần 1.200 QTDND thành viên ở các xã, phường, là các pháp nhân độc lập trong một hệ thống liên kết, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, quản lý và thanh tra, giám sát chặt chẽ.