Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẳng định vị thế làng nghề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phú Xuyên là vùng đất trũng với gần 100 làng nghề thủ công, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như khảm trai Chuyên Mỹ, giày da Phú Yên, mây tre đan Phú Túc... Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề không chỉ giúp Phú Xuyên tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp độc đáo mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

 Rộn rã đất nghề

Tháng 10, khi những luống rau màu, đậu tương đông đã xanh mướt trên những cánh đồng, người dân ở các làng nghề của huyện Phú Xuyên lại hân hoan chuẩn bị tham gia vào Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống lần thứ 2 (từ 24 - 26/10).

Theo ông Trương Thế Cầu, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên: Những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Xuyên đã xác định phát triển làng nghề truyền thống là góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, nâng cao đời sống nhân dân.

Khẳng định vị thế làng nghề - Ảnh 1

Nghệ nhân làng nghề khám phá ở xã Chuyên Mỹ

Do đó, đi đôi với việc dành kinh phí hỗ trợ để các làng nghề đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn và định hướng cho các làng nghề phát triển có quy mô, có thị trường, địa phương đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế hội nhập, marketing, xây dựng văn hóa trong kinh doanh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hình ảnh làng nghề thông qua các hoạt động du lịch. Việc tổ chức lễ hội vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi, cơ sở sản xuất trên địa bàn là việc làm hết sức thiết thực, nhằm khơi dậy sức sáng tạo, phát triển bền vững của làng nghề.

Nhờ công tác nhân cấy nghề, đến nay cơ bản các làng trên địa bàn huyện đều đã có nghề. Làng nghề đã giải quyết trên 70% lao động nông thôn. Đơn cử như khảm trai Chuyên Mỹ thu hút 95% lao động nông thôn, số hộ khá, giàu trong làng đạt 68%; làng nghề xã Phú Túc thu hút 65% lao động; làng nghề da giày xã Phú Yên thu hút trên 60% lao động...

Nhiều kỳ vọng

Hiện, toàn huyện Phú Xuyên có 38 làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí của TP với những nhóm nghề như sơn mài, khảm trai, mây giang đan, đồ gỗ, da giày... Nhiều sản phẩm của các làng nghề đã và đang xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Với những thành công ngoài mong đợi của Lễ hội làng nghề lần thứ nhất năm 2011, năm nay, huyện chọn cách làm mới để tạo sức hút cho lễ hội. Ông Cầu cho biết: “Ngoài việc tất cả các xã nghề đều tổ chức vinh danh các thợ giỏi, các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều đóng góp cho làng nghề thì trung tâm của Lễ hội năm nay được lựa chọn tại xã Chuyên Mỹ (một trong những xã nghề lâu năm nhất huyện). Huyện Phú Xuyên kỳ vọng, cách làm mới này sẽ thực sự để nhân dân lao động là chủ thể của lễ hội". 

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Chí Quân cho rằng: Ở thôn, làng nào có nghề, địa phương đó sẽ sớm hiện đại hóa nông thôn, đời sống người dân sẽ được cải thiện. Điều này rất đúng với thực tế của huyện Phú Xuyên. Sự phát triển của làng nghề đã giúp tăng thu nhập cho nông dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo sự ổn định ở địa phương. Ngay trong bối cảnh khó khăn của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện vẫn tìm được hướng đi riêng để trụ vững. Song, cái khó của các làng nghề hiện nay vẫn là phát triển manh mún, nhỏ lẻ, các mẫu hàng còn đơn điệu, đặc biệt nhiều làng nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Để giúp các làng nghề phát triển, tạo động lực xây dựng nông thôn mới, ông Quân đề nghị TP và T.Ư thời gian tới cần có cơ chế, chính sách tầm vĩ mô để tháo gỡ những khó khăn về vốn, mặt bằng, nhân lực chất lượng cao… cho các làng nghề