Ngày 23/10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Công điện về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngày 20/10 bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn huyện Cam Lâm. Tính đến ngày 21/11, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 16 hộ thuộc 2 thôn Dầu Sơn và Đồng Cau, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm. Số lượng lợn chết, bệnh buộc tiêu hủy là 505 con (19 lợn nái, 02 đực giống, 440 lợn thịt, 44 lợn con theo mẹ) với khối lượng 26.953 kg.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 10 ngày qua, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch mới. Tuy nhiên hiện nay tỉnh Khánh Hòa đang trong mùa mưa nên bệnh DTLCP vẫn có nguy cơ tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Thực hiện Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Đồng thời, để chủ động phòng, chống, kiểm soát bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố tập trung trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch (nếu có).
Đặc biệt, các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.
Song song đó là tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán sản phẩm lợn và phương tiện vận chuyển lợn trên địa bàn. Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ và buôn bán lợn và sản phẩm lợn nghi mắc bệnh…
Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện 5 KHÔNG theo đúng quy định của Luật Thú y.