Khánh Hòa: Thị trường bất động sản phục hồi tốt, lượng giao dịch tăng mạnh

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý II/2023, thị trường bất động sản Khánh Hòa ghi nhận 6.216 giao dịch với tổng giá trị khoảng 2.897 tỷ đồng; tăng mạnh so với quý I/2023 là 3.878 giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.613 tỷ đồng.

Gần 2.900 tỷ đồng rót vào BĐS

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, thị trường bất động sản (BĐS) quý II/2023 diễn biến sôi động hơn so với quý I/2023.  

Cụ thể, trong quý II/2023, Khánh Hòa ghi nhận 6.216 giao dịch với tổng giá trị khoảng gần 2.897 tỷ đồng. Phân khúc có nhiều giao dịch nhất là đất nền với 4.997 giao dịch, tiếp đến là nhà ở riêng lẻ với 1.104 giao dịch và 115 giao dịch từ chung cư.

Khánh Hòa ghi nhận 6.216 giao dịch BĐS với tổng giá trị khoảng gần 2.897 tỷ đồng trong quý II/2023. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa ghi nhận 6.216 giao dịch BĐS với tổng giá trị khoảng gần 2.897 tỷ đồng trong quý II/2023. Ảnh: Trung Nhân.

Nếu so với quý I/2023, Khánh Hòa chỉ ghi nhận 3.878 giao dịch BĐS với tổng giá trị khoảng 1.613 tỷ đồng và giao dịch quý III, quý IV/2022 lần lượt là 1.200 tỷ đồng và gần 250 tỷ đồng, có thể thấy giá trị các giao dịch BĐS tại địa phương này trong ba tháng vừa qua đã tăng đáng kể.

Ông Phan Từ Liêm – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Khánh Hòa, Giám đốc sàn New Group cho biết, giai đoạn cuối năm 2022 lãi suất huy động cao và do việc siết chặt tín dụng nên người dân bắt đầu chuyển sang gửi tiết kiệm thay vì đầu tư vào BĐS. Do đó, BĐS mất tính thanh khoản.

“Có thể nói, lượng giao giao dịch trong giai đoạn quý IV/2022 và quý I/2023 chủ yếu từ nhóm nhà đầu tư thoát hàng do đã đầu tư lớn vào giai đoạn nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, thời gian qua ngân hàng giảm lãi suất huy động nhằm kéo hạ lãi suất cho vay. Những động thái này được cho là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS .

Điều này không chỉ giúp các nhà đầu tư đang nắm giữ BĐS giảm bớt áp lực tài chính, mà những người mua nhà có thể cân nhắc xuống tiền. Do đó, các giao dịch trong quý II/2023 đã tăng đáng kể” – ông Phan Từ Liêm nhận định.

Thị trường bất động sản Khánh Hòa dần sôi động trở lại. Ảnh: Trung Nhân.
Thị trường bất động sản Khánh Hòa dần sôi động trở lại. Ảnh: Trung Nhân.

Trong khi đó, anh Tiến Thắng  - một môi giới chuyên về thị trường BĐS Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa cho biết, ngay sau khi Khánh Hòa công bố quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong vào cuối tháng 3 và thông tin các nhà đầu tư lớn đổ bộ vào khu vực này, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư tăng cao.

“Đầu năm 2023, giá đất có xu hướng giảm nhẹ nhưng không có nhiều người mua, mức độ dò hỏi thông tin và giá rất nhiều nhưng giao dịch thấp. Tuy nhiên, hiện mức giá tại khu vực Khu kinh tế Vân Phong, đặc biệt là thị xã Ninh Hòa – Nam Vân Phong đang có xu hướng tăng và lượng giao dịch tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm.

Giá đất đã “nhảy” mấy nhịp sau khi thông tin cao tốc Vân Phong – Nha Trang và cao tốc Buôn Mê Thuột – Khánh Hòa khởi công” – anh Tiến Thắng chia sẻ.

Tín hiệu khả quan

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn vừa qua UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường BĐS và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Công ty CP Vinhomes chủ sở hữu của Công ty CP Muối Cam Ranh nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home hồi đâu tháng 4/2023. Ảnh: Trung Nhân.
Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Công ty CP Vinhomes chủ sở hữu của Công ty CP Muối Cam Ranh nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home hồi đâu tháng 4/2023. Ảnh: Trung Nhân.

Thời gian tới, Khánh Hòa tiếp tục triển khai thực hiện phủ kín quy hoạch trên địa bàn. Đồng thời thực hiện song song những đồ án quy hoạch mới như đô thị mới Cam Lâm, điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, các quy hoạch phân khu thuộc điều chỉnh quy hoạch chung Vân Phong làm cơ sở để kêu gọi đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, dự án kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu thập thấp, nhà ở công nhân, thiết chế công đoàn…. góp phần vào mục tiêu hoàn thành Nghị quyết số 09- NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, với những chính sách được tháo gỡ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong thời gian tới sẽ là tín hiệu khả quan cho thị trường BĐS năm 2023.

Trong khi đó, ông Phan Từ Liêm nhận định, 6 tháng cuối năm 2023 sẽ là mấu chốt của thị trường khi có lượng tiền BĐS đáo hạn và đây là lúc nhà đầu tư quyết định dòng tiền quay lại BĐS.

Các cao tốc đi vào vận hành tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tại Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân.
Các cao tốc đi vào vận hành tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tại Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân.

“Luật Đất đai được sửa đổi 2023 được thông qua sẽ giúp tháo gỡ nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án mới. Cùng với đó các quy hoạch lớn của tỉnh Khánh Hòa đã và đang dần hoàn thiện.

Đặc biệt là dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh đang bắt đầu được khởi động bởi Vingroup; cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào hoạt đông tạo cú hích giao thông giúp tạo nên quãng đường di chuyển các tỉnh phía Nam về Nha Trang ngắn hơn. Về phía Bắc Khánh Hòa các quy hoạch phân khu đang gấp rút triển khai để thu hút các nhà đầu tư lớn cũng tạo động lực cho thị trường BĐS khu vực này. Do đó, trong giai đoạn từ đây đến cuối năm 2023 thị trường BĐS sẽ có nhiều chuyển biến tích cực” – ông Phan Từ Liêm nhận định.

 

Khuyến cáo mua nhà ở hình thành trong tương lai 

Hồi tháng 6/2023, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, TP và các chủ đầu tư thứ cấp về việc góp vốn hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết đối với các dự án đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Theo văn bản, hiện nay, một số dự án chưa đáp ứng các điều kiện về huy động vốn nhưng các chủ đầu tư cấp 1 vẫn đăng thông tin trên các website, các trang mạng xã hội để quảng cáo và ký hợp đồng dưới hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để thu tiền của khách hàng làm nguồn vốn phát triển dự án; khi phát sinh tranh chấp thì khách hàng là bên bị thiệt hại và chịu nhiều thiệt thòi.

Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP thông tin, khuyến cáo để người dân được biết khi thực hiện việc mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai phải tham khảo đầy đủ các quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật dân sự trước khi thực hiện giao dịch để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện những quy định trong việc huy động vốn.