Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khảo sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông tại huyện Gia Lâm

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện kế hoạch về khảo sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông; các bến thủy nội địa trên địa bàn TP, sáng 23/7, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Đô thị HĐND TP đã làm việc với UBND huyện Gia Lâm và đi khảo sát thực tế tại một số bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD).

 Đoàn khảo sát làm việc với UBND huyện Gia Lâm. (Ảnh: Hà Ánh)
Theo báo cáo của UBND huyện, trên địa bàn huyện không có tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản, do vậy các vi phạm do khai khác khoáng sản trong nhiều năm qua chủ yếu tập trung vào hoạt động hút cát lòng sông trái phép và đều được kịp thời phát hiện, xử lý. Đến nay, trên địa bàn huyện không có hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức tham gia hoạt động khai thác cát.
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Hợi, trên địa bàn huyện hiện có 32 bãi chứa, trong đó 5 bãi chứa đã thuê đất với Sở TN&MT, 13 bãi chứa phù hợp tiêu chí bãi chứa VLXD ven sông , 7 bãi chứa UBND huyện tiếp tục đề nghị cho phép thực hiện đấu giá, 7 bãi chứa yêu cầu dừng hoạt động, giải tỏa.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an huyện Gia Lâm đã xử lý 4 vụ liên quan đến khai thác tài nguyên trái phép, xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách 28.500.000 đồng . Ngoài ra, đã lập hồ sơ vi phạm chuyển Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc xử phạt, thu nộp ngân sách 2.500.000 đồng.
 Đoàn kiểm tra bãi trung chuyển VLXD tại xã Đông Dư. (Ảnh: Hà Ánh)
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm cũng nêu rõ những hạn chế, khó khăn từ quy định của pháp luật về tịch thu phương tiện vi phạm hành chính. Lực lượng chức năng thiếu phương tiện để thực hiện việc kiểm tra, xử lý, không có trang thiết bị, công tác phối hợp giữa các lực lượng công an trên địa bàn các quận, huyện, tình thành chưa chặt chẽ.
Hơn nữa, hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép thường diễn ra vào ban đêm, tại các vị trí giáp ranh nên khó kiểm soát… Việc thực hiện quản lý các bến thủy nội địa còn nhiều hạn chế khi phối kết hợp với giữa các đơn vị trực tiếp quản lý với chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích chưa được xử lý kịp thời…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã gợi mở một số nội dung đề nghị huyện lưu ý về việc quản lý các bãi chứa được huyện tiếp tục cho đấu giá, không để tình trạng hết hợp đồng mà vẫn khai thác. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, phối kết hợp với các đơn vị xử lý kịp thời, hiệu quả.
 Bãi trung chuyển VLXD tại xã Đặng Xá . (Ảnh: Hà Ánh)
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần, với những thực trạng và tồn tại nêu trên, UBND huyện đề nghị UBND TP sớm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về đề xuất trình tự tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để làm bãi chứa, trung chuyển VLXD ven sông đối với 11 vị trí phù hợp tiêu chí của UBND huyện. Đồng thời, cho phép tiếp tục thực hiện đấu thầu giá quyền sử dụng đất đối với 7 điểm tập kết qua rà soát là phù hợp tiêu chí.
Với công tác quản lý bến thủy nội địa, đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT sớm hoàn thành việc xác định mốc giới ngoài thực địa đối với khu đất bến phà Kim Lan để đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hồ Vân Nga đánh giá cao sự quan tâm của các cấp chính quyền huyện Gia Lâm trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý các bến thủy nội địa trên địa bàn huyện.

Mặc dù công tác quản lý còn nhiều vướng mắc  về cơ chế, hướng dẫn chưa kịp thời của các sở, ban ngành, khuyết đáp của TP còn chưa đầy đủ, trong khi thực tế của địa phương, nhu cầu của người dân, DN đang còn nhiều. Với những đề xuất, kiến nghị của huyện, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Đô thị HĐND TP sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP để có những chỉ đạo thống nhất, sát sao hơn về vấn đề này.