Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khát vọng “cầu đất liền” của Thái Lan

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 8, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã tích cực công du nước ngoài và tham dự nhiều cuộc họp với các đại sứ. Tất cả là nhằm mời chào đầu tư cho siêu dự án Land Bridge nối hai bờ biển Đông - Tây của Thái Lan.

Giấc mộng từ thế kỷ XVII

Land Bridge được thiết kế để cung cấp một tuyến thương mại mới giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đi qua eo biển Malacca - một trong những hành lang biển quan trọng và tắc nghẽn nhất thế giới. Dự án bao gồm việc xây dựng hệ thống đường sắt và đường bộ dài khoảng 90km kết nối cảng nước sâu ở tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan, với cảng nước sâu mới ở tỉnh Ranong trên biển Andaman.

Thủ tướng Srettha, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, đã giới thiệu tầm nhìn lớn nói trên với các nhà đầu tư Trung Quốc khi ông tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường mới nhất ở Trung Quốc vào giữa tháng 10, trước khi giới thiệu siêu dự án trị giá 28 tỷ USD cho các nhà đầu tư Trung Đông vài tuần sau đó.

Ông cũng đã đưa ý tưởng này đến San Francisco hôm 12/11 khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trực tiếp đối thoại với các DN Mỹ trong chương trình “Thailand Land Bridge Roadshow”.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin thảo luận về đề xuất của ông đối với dự án Land Bridge, tại một cuộc họp với các quan chức Chính phủ vào ngày 2/11/2023. Ảnh: X
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin thảo luận về đề xuất của ông đối với dự án Land Bridge, tại một cuộc họp với các quan chức Chính phủ vào ngày 2/11/2023. Ảnh: X

Chính phủ Thái Lan đang mở cửa cho bất kỳ ai muốn đầu tư vào dự án, mà một số nhà phân tích gọi là “giấc mộng viển vông”, đã được nhen nhóm cách đây hàng trăm năm. Ý tưởng này thực sự có từ thế kỷ XVII, khi Vương quốc Ayutthaya của người Thái còn là một trung tâm trung chuyển thịnh vượng và những người theo chủ nghĩa hiện đại đã thấy trước rằng một con kênh rộng lớn, được gọi là “kênh đào Kra”, sẽ cho phép kết nối bờ biển phía Đông và phía Tây nhằm thúc đẩy thương mại.

Ý tưởng về kênh đào đã được hồi sinh nhiều lần trong thế kỷ XIX và XX, nhưng luôn vấp phải rào cản là quy mô và chi phí của dự án quá lớn. Trong thế kỷ XXI, Chính phủ Thái Lan đã nghiêng nhiều hơn về giải pháp “cầu đất liền” rẻ và bền vững hơn, nối hai bờ biển bằng đường sắt và đường cao tốc thay vì kênh đào.

Năm 2020, Chính phủ cũ do quân đội điều hành của Thái Lan đã khôi phục lại dự án “cầu đất liền”, thành lập các ủy ban lập pháp và cấp bộ để nghiên cứu tính khả thi của nó. Họ đã đưa ra những phát hiện của mình cách đây vài tháng.

Land Bridge được tin sẽ là mảnh ghép tuyệt vời thêm vào Sáng kiến Hành lang kinh tế phía Đông rộng lớn của Thái Lan - có mục đích biến 3 tỉnh lân cận phía Đông nước thành trung tâm sản xuất, nghiên cứu và dịch vụ. Dự án cũng sẽ được kết nối với tuyến đường sắt cao tốc mới Trung Quốc - Lào - Thái Lan, cũng như với tuyến đường sắt Trung Quốc đang xây dựng ở nước láng giềng Campuchia.

Trong một bài phát biểu tại cuộc họp của Hiệp hội Phóng viên Kinh tế Thái Lan vào tháng trước, Thủ tướng Srettha Thavisin hứa hẹn Land Bridge sẽ là siêu dự án lớn nhất thế giới, giúp nâng cao nền kinh tế Thái Lan trong trung và dài hạn.

Nhà lãnh đạo tin rằng, nền kinh tế Thái Lan cần một sự kích thích lớn vì trong 10 năm qua GDP của quốc gia chỉ tăng trưởng trung bình 1,8%/năm, trong khi nợ hộ gia đình tăng từ 76% GDP lên 91% như hiện nay. Ông nhấn mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng là rất quan trọng cho mục tiêu biến Thái Lan trở thành trung tâm thu hút FDI.

“Đây có thể là một trong những siêu dự án lớn nhất thế giới, sẽ khiến Thái Lan trở thành một quốc gia hấp dẫn để đầu tư” - Thủ tướng Srettha tuyên bố.

Có đáng lo ngại?

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng phần lớn nguồn tài trợ cho Land Bridge sẽ đến từ Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực và nước này đang xây dựng mạng lưới đường sắt xuyên suốt lục địa Đông Nam Á như một tuyến đường thay thế cho các tuyến đường biển đi qua eo biển Malacca.

Công ty Phát triển Năng lượng Vùng Vịnh có trụ sở tại Thái Lan và Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang tái phát triển cảng lớn nhất Thái Lan tại Laem Chabang.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều quan chức Mỹ đã cảnh báo về những rủi ro địa chính trị, cho rằng sự tham gia của Trung Quốc vào kế hoạch Hành lang kinh tế phía Nam có thể là cách để Bắc Kinh giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng của Thái Lan, đặc biệt là các cảng của nước này.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng Bangkok rõ ràng quyết tâm không chỉ dựa vào tiền của Trung Quốc cho dự án tỷ đô này, khi tỏ rõ mục tiêu biến nó trở thành một dự án lý tưởng để thu hút đầu tư từ Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU) - một nhà tài trợ cơ sở hạ tầng hoặc các công ty tư nhân châu Âu.

Trong khi đó, EU và Thái Lan đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do vào tháng 3/2024. Chính phủ mới của Thái Lan có vẻ mong muốn tăng cường quan hệ với các nước châu Âu. Các cuộc thảo luận cũng đang diễn ra về việc có nên cung cấp cho du khách châu Âu thời gian lưu trú miễn thị thực kéo dài lên tới 90 ngày ở Thái Lan hay không.

Ernst Wolfgang Reichel, tân đại sứ Đức tại Bangkok, được cho đã nói với các quan chức Chính phủ Thái Lan hồi đầu tháng này rằng ông sẽ vận động các DN Đức đầu tư vào dự án, đồng thời đề xuất Thái Lan tổ chức Land Bridge Roadshow tại Đức vào năm tới.

“Phía Đức rõ ràng quan tâm đến dự án cầu đường bộ. Và đại sứ sẽ báo cáo lại với Chính phủ Đức về dự án mà ông tin rằng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư” - Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Suriya Jungrungreangkit cho biết.

Mark Cogan, chuyên gia về Thái Lan tại Đại học Kansai Gaidai của Nhật Bản, đánh giá, một trở ngại lớn khác đối với các nhà đầu tư châu Âu có thể là những tác động môi trường và xã hội của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Đã có một số cuộc biểu tình diễn ra tại các khu vực đặt dự án kể từ khi Thủ tướng Srettha cho biết, Chính phủ kiên quyết thực hiện kế hoạch này, vì nó có thể yêu cầu hàng nghìn người phải di dời. Cũng có những lo ngại về tác động đến ngành du lịch và đánh bắt cá ở các tỉnh phía Nam của Thái Lan.
“Thách thức trước mắt đối với chính quyền Srettha là chứng minh rằng "cầu đất liền" sẽ không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn không làm tăng lượng khí thải carbon trong quá trình xây dựng này” - ông Cogan nêu quan điểm.

Ngoài ra, một trong những câu hỏi rất được quan tâm là liệu các hãng tàu có sử dụng Land Bridge hay không khi mà họ sẽ phải trả thêm chi phí và mất thời gian bốc dỡ container từ bến cảng lên cầu đường bộ trước khi đến đích cuối cùng.

Theo Văn phòng Quy hoạch và Chính sách Giao thông Thái Lan, giả sử nguồn tài trợ đến và việc xây dựng bắt đầu đúng thời hạn, dự án sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2040 và khi đó cả hai cảng sẽ có khả năng xử lý khoảng 20 triệu container hàng hóa mỗi năm. Thủ tướng Srettha cũng đã đề nghị giảm thời gian vận chuyển qua tuyến đường này xuống còn 6 - 9 ngày.

“Việc tiết kiệm thời gian chính xác sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố” - quyền Bộ trưởng Giao thông Vận tải Singapore Chee Hong Tat bình luận về Land Bridge trước những lo ngại rằng lợi thế của nó có thể đe dọa vị thế cảng biển toàn cầu của Singapore. Tương tự nhiều quan chức chính phủ trong khu vực, ông Chee nhấn mạnh yêu cầu tự nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, thay vì lo sợ dự án cơ sở hạ tầng vẫn còn trên giấy của Thái Lan lúc này.